Tuần sau thịt lợn nhập khẩu từ Nga ồ ạt nhập về Việt Nam

(Dân trí) - Việt Nam đang thiếu nguồn thịt lợn, dự kiến, tuần sau lô hàng thịt lợn của Tập đoàn Miratorg (Nga) sẽ đến Việt Nam.

Chiều qua (6/3) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp và làm việc với Tập đoàn Miratorg, Liên bang Nga về hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Tại cuộc họp, đại diện Tập đoàn Miratorg cho biết, trong năm nay sản lượng thịt lợn dự kiến sản xuất khoảng 500.000 tấn và trong tuần sau có thể xuất lô hàng thịt lợn đầu tiên sang Việt Nam.

Tuần sau thịt lợn nhập khẩu từ Nga ồ ạt nhập về Việt Nam - 1

Quang cảnh cuộc làm việc tại Bộ NN&PTNT.

Về tiềm năng sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp mỗi năm khoảng 50 triệu tấn nông sản; sản lượng thịt gà, thịt lợn, thịt bò khoảng 5,5 triệu tấn/năm. Là quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu về cà phê, hạt điều, hạt tiêu, lâm sản và gỗ…Khối lượng nông sản không chỉ đảm bảo nhu cầu cho gần100 triệu dân trong nước mà năm 2029 còn xuất khẩu 41 tỷ USD.

Cũng theo ông Cường, để sản xuất khối lượng lớn Việt Nam cũng rất cần các nguyên liệu để phục vụ cho nền sản xuất nông nghiệp trong nước như: lúa mỳ, đậu tương nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành trong nông nghiệp mà phía Tập đoàn Miratorg đang có lợi thế.  Trước mắt Việt Nam đang có nhu cầu cao về thịt lợn, thịt bò, nếu doanh nghiệp có khả năng cung ứng cần đẩy nhanh việc xuất khẩu bởi đây là cơ hội tốt mở rộng hợp tác giữa 2 bên.

"Có những nông sản như: thịt lợn mà rẻ hơn Việt Nam sẵn sàng nhập để dành nguồn lực cho các sản phẩm lợi thế khác như: cá, tôm để xuất khẩu đi nước khác. Trong khi đó, khoảng 140 triệu người dân của Nga thì không sản xuất cá tra, không có nhiều tôm, cà phê, những sản vật nông sản khác như Việt Nam.

Vì vậy sản phẩm nông nghiệp giữa 2 nước mang tính bổ trợ cho nhau chứ không xung đột. Tập đoàn mà đứng làm trung gian cầu nối nhập những nông sản mà Nga không có để cung ứng cho người dân Nga sẽ “thắng lợi kép” qua đó 2 bên cùng phát triển" - ông Cường cho biết.

Thông tin về xuất khẩu sang Việt Nam những nông sản đang có nhu cầu lớn, ông Viktor Linnik – Chủ tịch tập đoàn Miratorg, Liên bang Nga cho biết, lô hàng thịt lợn của Tập đoàn dự kiến sẽ đến Việt Nam trong tuần sau. Năng lực sản xuất thịt lợn của Tập đoàn mỗi năm hiện nay có thể đạt đến 500.000 tấn, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu thịt lợn mà Việt Nam đang cần với chất lượng và giá cả cạnh trạnh.

"Thịt lợn của Tập đoàn sản xuất theo quy trình khép kín, từ chăn nuôi, chế biến thức ăn đến giết mổ, khép kín theo chiều  dọc để kiểm soát chất lượng và giảm được giá thành. Liên quan đến cá tra và tôm, hạt tiêu doanh nghiệp đã có những đơn hàng đầu tiên để nhập khẩu cá tra và tôm vào Nga. Hy vọng những cam kết sẽ được thực hiện để báo cáo tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng nông nghiệp 2 nước diễn vào tháng 4 năm nay" - ông Viktor Linnik nói.

Tuần sau thịt lợn nhập khẩu từ Nga ồ ạt nhập về Việt Nam - 2

Tuần sau thịt lợn nhập khẩu từ Nga sẽ đến Việt Nam.

Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 31/1/2020, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 8.570 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con, tổng trọng lượng là hơn 340.000 tấn. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ DTLCP làm hơn 19.000 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy. 

Để tổ chức phòng, chống và kiểm soát tốt dịch bệnh DTLCP và đảm bảo nguồn cung thịt lợn Bộ NN&PTNT báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo: Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc các Bộ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các nguồn hàng thịt lợn với giá hợp lý từ các nước.

Năm 2019, Việt Nam nhập 67.131 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn (tăng 63% so với năm 2018); trong đó chủ yếu nhập khẩu từ các nước: Đức, Ba Lan, Braxin, Canada, Hoa Kỳ.

Đến năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 13.816 tấn thịt lợn và sản phẩm thịt lợn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu từ Canada 33,06%, Đức 25,4%, Braxin 16,10%, Ba Lan 15,81%, Hoa Kỳ 7,78%.

Nguyễn Dương