Từ vụ ALCII: Rút tiền Nhà nước quá dễ!
Vụ án tham ô, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được xem là vụ án tham nhũng lớn nhất của lịch sử tố tụng Việt Nam hiện đại, khi Tòa án Nhân dân Tp.HCM phải kéo dài tới hai tuần xét xử, và có 2 án tử hình được đề nghị.
Phiên toà được mở từ ngày 6/11 và dự kiến đến hết ngày 20/11 với 11 bị can và hơn 30 đơn vị, cá nhân liên quan. Tổng số tiền mà các bị can làm thất thoát của Nhà nước được xác định trên 531,8 tỉ đồng, trong đó tham ô gần 80 tỉ đồng, lừa đảo chiếm đoạt gần 61 tỉ đồng...
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Trong các hợp đồng đã ký, Vũ Quốc Hảo lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản và trả nợ cá nhân số tiền 79,9 tỷ đồng của Công ty ALCII, làm trái quy định về nghiệp vụ cho thuê tài chính, hưởng lợi 3,9 tỉ đồng. Hảo còn cố ý làm trái quy định về nghiệp vụ cho thuê tài chính thông qua việc ký 9 hợp đồng kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhà nước với số tiền hơn 386 tỉ đồng.
Điều đáng nói, chỉ riêng ngày 9/1/2009, Vũ Quốc Hảo và các đồng phạm đã ký tới 4 hợp đồng, gây thiệt hại của Nhà nước 288 tỷ đồng nhưng không cơ quan quản lý nào, đặc biệt là Agribank lại không đặt ra nghi vấn!?
Khi khai trước toà, chính bị cáo Hảo cho biết, bị cáo còn ngỡ ngàng khi thấy rút tiền của Nhà nước quá dễ, cứ ký là được rút!
Viện Kiểm sát nhân dân Tp.HCM đề nghị mức án tử hình cho tội tham ô tài sản đối với bị cáo Vũ Quốc Hảo, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và 15 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Hình phạt tổng hợp chung cho tất cả các tội danh là tử hình.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân Tp.HCM cũng đề nghị buộc bị cáo Vũ Quốc Hảo phải bồi thường số tiền là 83,8 tỷ đồng cho ALCII.
Ngoài ra, Vũ Quốc Hảo liên đới cùng các bị cáo khác phải bồi thường cho ALCII số tiền 386,99 tỷ đồng. Trả lại cho ALCII số tiền 5,8 tỷ đang tạm giữ tại cơ quan điều tra Bộ Công an.
Tuy nhiên, mọi việc còn đợi quyết định cuối cùng của toà án.
Vẫn án tử hình với tham nhũng
Năm 2009, Chính phủ đã trình Quốc hội bản dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự với đề xuất bỏ án từ hình đối với 12 tội danh, trong đó có tội tham ô tài sản.
Tuy nhiên, Quốc hội chỉ nhất trí bỏ án tử hình với 8 tội danh và vẫn giữ án tử hình với tội tham ô tài sản.
Do đó, nếu áp dụng hình phạt tử hình sẽ nảy sinh tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Điển hình như vụ án Epco - Minh Phụng, 77 người bị truy tố trước toà, 6 án tử hình được tuyên. Dù thiệt hại kinh tế do vụ án đem lại rất lớn, khi số tiền phải thi hành án gần 6.000 tỷ đồng, nhưng tới nay còn khoảng hơn 3.000 tỷ chưa thi hành được.
Tuy nhiên, ông Phạm Quốc Anh, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam lại cho rằng, phải duy trì án tử hình với tội danh tham nhũng. Trong các kỳ họp Quốc hội trước đã có rất nhiều ý kiến lo ngại việc bỏ án tử hình đối với tội phạm tham nhũng sẽ là cơ hội cho tội phạm tham nhũng phát triển.
Đây là những hành vi phạm tội nghiêm trọng, làm thiệt hại rất lớn đến tài sản quốc gia, do đó phải duy trì tử hình với những tội này. Với sức nặng của án tử hình, tính răn đe cho tội tham nhũng sẽ cao nhưng cơ bản là phải tìm cách ngăn chặn từ gốc rễ nạn tham nhũng, tức là phải đẩy mạnh việc phòng ngừa các loại tội phạm ấy một cách hiệu quả hơn.
Ông Trần Ngọc Vinh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Giai đoạn này Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng nên đã đưa ra một số vụ án điển hình để xét xử và tuyên án, như vụ án xét xử “đại án” tham nhũng tại ALCII. Theo tôi, những bản án như vậy được nhân dân rất đồng tình. Để ngăn chặn những vụ việc tiêu cực nghiêm trọng rất cần những bản án nghiêm khắc. Hơn thế, những vấn đề này phải tiến hành thường xuyên bởi nếu chỉ làm “án điểm” thì không thể khắc phục và không đẩy lùi được tình trạng tham nhũng. Trong tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay, tình trạng tham nhũng càng phải được cảnh báo cao vì việc thất thoát tài sản của Nhà nước thường xuất phát từ một nhóm cá nhân nắm giữ tài sản Nhà nước. ở đây tiền là một vấn đề nhưng còn những ảnh hưởng đến xã hội, đặc biệt là vấn đề đạo đức rất cần phải quan tâm... Trong vụ ALCII, mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị với 2 tử hình là hợp lý vì tất cả các tội trạng đã được định khung, tội đến đâu thì xử đến đó, xử đúng người đúng tội”. Ông Nguyễn Đăng Trừng, Chủ tịch Đoàn Luật sư Tp.HCM: “Việt Nam bị liệt vào nước có nạn tham nhũng cao và trong khi cả nước đang quyết tâm đẩy lùi quốc nạn này thì không nên bỏ án tử hình. Tham nhũng đang diễn biến ngày càng phức tạp, phải giữ án tử hình để răn đe. Tham nhũng không những gây thiệt hại tài sản Nhà nước mà còn lấy đi niềm tin của nhân dân, đây chính là thứ tài sản quan trọng nhất. Do đó cần có chế tài nghiêm, không nên bỏ hình phạt tử hình với tội tham nhũng trong giai đoạn này...”. Ông Vũ Văn Họa, Phó tổng kiểm toán Nhà nước: “ALCII là vụ án kinh tế lớn mà Kiểm toán Nhà nước tham gia thực hiện và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an. Hiện Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an vụ việc của Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex). Từ nay đến cuối năm sẽ hoàn tất hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra Bộ Công an vụ việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Kiểm toán Nhà nước đang thành lập bộ phận Kiểm toán hoạt động với chức năng kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến tài chính, ngân sách ngay từ khâu xây dựng, phê duyệt đề án. Với bộ phận Kiểm toán hoạt động, việc thất thoát sẽ được hạn chế ngay từ đầu...”. |
TBKTVN