Tư vấn nước ngoài “vẽ” Ninh Thuận ra sao?

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Thuận hiện như một tờ giấy trắng, nếu chúng ta “vẽ” tốt thì sẽ được một bức tranh đẹp. Bức tranh ấy đang hi vọng được trở thành hiện thực với sự giúp đỡ của tập đoàn tư vấn ngước ngoài hàng đầu thế giới, lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam.

Tư vấn nước ngoài “vẽ” Ninh Thuận ra sao? - 1
Ông Nguyễn Chí Dũng.
 
Trước thông tin lần đầu tiên một tỉnh của Việt Nam đã mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài phân tích và đánh giá những vị thế, tiềm năng để có một chiến lược phát triển tốt, ông Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Ông đánh giá thế nào về tập đoàn tư vấn nước ngoài mà tỉnh Ninh Thuận đã thuê tư vấn?

Monitor là một tổ chức tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới được cả thế giới biết đến. Đây là tập đoàn đã xây dựng “kịch bản” phát triển cho 120 nền kinh tế và các tập đoàn xuyên quốc gia.

Chúng tôi hi vọng với một cách nhìn độc lập, khách quan của một tổ chức có kinh nghiệm, uy tín, họ sẽ đưa được những mô hình mới, yếu tố mới, giá trị mới mang tính đột phá và vẫn bảo đảm được yếu tố bền vững cho tỉnh. Đây là điều mà các tổ chức trong nước còn hạn chế.

Cho đến thời điểm này, những dấu hiệu nào có thể khiến ông lạc quan?

Vào ngày 17/10 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận và tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận với chủ đề “Ninh Thuận - tiềm năng và cơ hội đầu tư”.

Đây sẽ là cơ hôi cho các tổ chức, các nhà đầu tư trong và ngoài nước gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ninh Thuận hiện đang phát triển ở mức thấp và hạn chế nhưng theo tôi, chính đó lại là cơ hội nếu chúng ta biết xây dựng được một chiến lược và quy hoạch tốt.

Việc chúng tôi quyết định thuê một tập đoàn tư vấn nổi tiếng nhất thế giới là để giúp cho tỉnh Ninh thuận phân tích và đánh giá được hết tiềm năng cũng như vị thế mới để tỉnh có một chiến lược phát triển tốt.

Khi có chiến lược phát triển tốt, định hướng rõ ràng với cơ sở hạ tầng tốt và nguồn lực tốt, chúng tôi hi vọng Ninh Thuận sẽ có một bước tiến mang tính đột phá.

Theo như ông nói, vậy hai vấn đề là cơ sở hạ tầng và nguồn lực thì tỉnh sẽ giải quyết thế nào?

Cả hai đều đang tập trung xây dựng. Đáng chú ý, tỉnh đang xây dựng trung tâm phát triển nguồn nhân lực không chỉ cung cấp cho tỉnh Ninh Thuận mà cả các tỉnh lân cận.

Hiện chúng tôi đang xem xét về việc thành lập các trường đại học, liên kết hợp tác đào tạo với trường đại học của nước ngoài.

Xin ông cho biết, lĩnh vực ưu tiên của Ninh Thuận trong thời gian tới là gì?

Định hướng phát triển của tỉnh theo mô hình kinh tế xanh và sạch. Theo đó, chúng tôi phát triển trung tâm năng lượng quốc gia theo quy hoạch của Chính phủ. Bên cạnh hai nhà máy điện hạt nhân mà chính phủ đã lựa chọn đầu tư tại đây, Ninh Thuận còn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về điện gió, mặt trời…

Thứ nữa là về du lịch, chúng tôi đang quy hoạch lại tuyến ven biển để phát triển du lịch có tầm nhìn xa và cạnh tranh cao, có sự khác biệt đối với một số địa phương khác để phát triển du lịch cho tốt trong tương lai. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp sẽ chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, không ảnh hưởng đến môi trường.

Có thể coi Ninh Thuận là điểm xuất phát muộn, vậy tỉnh có cơ chế chính sách ưu đãi gì riêng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào tỉnh?

Là tỉnh còn nhiều khó khăn nên chúng tôi xác định là phải hết sức hỗ trợ cho doanh nghiệp, xây dựng được một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lơi nhất, hấp dẫn nhất và theo hướng thân thiện và đồng hành cùng doanh nghiệp.

Xin cám ơn ông!

Lan Hương