Từ K-film, K-Pop… đến “Made in Korea”

(Dân trí) - Mối cảm tình của người hâm mộ ngoài nước đối với các sản phẩm phim ảnh, âm nhạc đại chúng Hàn Quốc đã mang lại một nguồn lợi khổng lồ cho "xứ sở kim chi" không chỉ về sức ảnh hưởng văn hóa mà còn về kinh tế, thương mại.

Những mẫu tóc và cách ăn mặc của sao Hàn bước từ trong phim ra đời thực
Những mẫu tóc và cách ăn mặc của "sao" Hàn bước từ trong phim ra đời thực
(ảnh: phim I.Am dành cho đối tượng khán giả đam mê K-Pop).

Sử dụng công cụ tìm kiếm Google về “fan cuồng K-pop” chỉ trong chưa đầy 1 giây đã có gần 1 triệu kết quả. Câu chuyện không còn mới nhưng chưa bao giờ cũ với giới trẻ Việt Nam.

Từ cái thời những bộ phim đầu tiên của Hàn Quốc làm mưa làm gió màn ảnh Việt như “Ước mơ vươn tới một ngôi sao”, “Anh em nhà bác sĩ”, “Mối tình đầu” những năm 90 thế kỷ trước… cho tới những chuyến lưu diễn thường xuyên của các nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc gần đây như Super Junior, DBSK… dường như văn hóa Hàn Quốc chưa bao giờ hết “nóng”.

Thế nhưng, câu chuyện không chỉ dừng ở những bộ phim hay những ca khúc tiếng Hàn, sâu xa hơn là thương hiệu một quốc gia trong tiềm thức người xem và những chiêu tiếp thị tinh vi tác động đến hành vi người tiêu dùng trong đời sống.

Một ví dụ dễ thấy, rất khó để thấy các nhân vật trong phim Hàn Quốc sử dụng iPhone hay bất cứ thương hiệu điện thoại có nguồn gốc nước ngoài nào khác, thay vào đó là các “đời” điện thoại Samsung. 

Anh Phương (27 tuổi), đã thú nhận với Dân trí, giữa năm 2012, lúc xem “Vua thời trang” (Fashion King), với những mẫu điện thoại Galaxy Note đủ màu sắc được tất cả các nhân vật trong phim bất kể nam nữ, độ tuổi, Chủ tịch HĐQT hay người bình thường đều sử dụng, anh đã rất tò mò và đi đến quyết định mua thêm sản phẩm này dù vẫn đang đang dùng iPhone 4S ở thời điểm đó.

Đó là chưa kể đến những cửa tiệm ăn mang biển hiệu Hàn Quốc ngày một nhiều thêm trên phố phường Hà Nội, những mẫu tóc, quần áo, cách trang điểm na ná nhau của giới trẻ Việt cũng là “made in Korea”…
 
Trong một bài báo đăng tải trên tạp chí Nhà Kinh tế (The Economist), Việt Nam được cho biết là một trong ba thị trường lớn nhất hấp thụ làn sóng văn hóa Hàn Quốc bên cạnh Trung Quốc và Nhật Bản. 

Một khảo sát thực hiện năm 2008 cho thấy, khoảng 80% phản hồi từ 3 quốc gia này cho biết khán giả tìm đến văn hóa Hàn Quốc với một sự ngưỡng mộ và tôn trọng. Mặc dù không thật rõ ràng, song chính thái độ này đã thúc đẩy, hỗ trợ đáng kể cho thương mại và du  lịch “xứ kim chi”.

Galaxy note của Samsung được tất cả các nhân vật trong Fashion King sử dụng.
Galaxy note của Samsung được tất cả các nhân vật trong Fashion King sử dụng.

Làn sóng Hallyu

Economist đã dành hẳn đất để bàn về xuất khẩu văn hoá pop của Hàn Quốc ra thế giới thông qua làn sóng Hallyu. Hallyu xuất phát từ tiếng Hán là Hàn lưu – làn sóng Hàn Quốc (được dùng để chỉ sự nổi tiếng và lan rộng của văn hóa Hàn Quốc trên thế giới trong thế kỷ 21).

Trong bài viết đăng tải trên tạp chí này, Prum Seila là một sinh viên điện ảnh 23 tuổi người Campuchia được coi như một điển hình cho sự tiếp nhận Hallyu trên thế giới. 

Prum không bắt chước thời trang phương Tây và giống như nhiều thanh niên châu Á khác, cậu cho rằng, xu hướng ăn mặc của Bắc Mỹ cũng như Nhật Bản là lỗi thời, nhạt nhẽo.

“Ở Campuchia, chúng tôi xem phim truyền hình Hàn Quốc, nghe nhạc Hàn Quốc và ăn mặc theo phong cách Hàn Quốc”. Prum cũng cho biết, Bi Rain là ca sĩ thần tượng của cậu, cũng như rất yêu thích bộ phim do Rain thủ vai chính: “Ngôi nhà hạnh phúc”. Thậm chí, cậu sinh viên điện ảnh còn hy vọng sẽ có một ngày sẽ tới Seoul học về làm phim.

Báo cáo mới nhất từ Oxford Economics công bố cuối năm 2012 cập nhật số liệu đến hết năm 2011 cho biết, ngành công nghiệp phim ảnh đã đóng góp 6,77 tỷ USD (7,55 nghìn tỷ Won) cho nền kinh tế Hàn Quốc. Đồng thời, tạo công ăn việc làm trực tiếp cho 67.000 người và nộp thuế nhà nước 3,36 tỷ USD.

Nếu tính cả các tác động gián tiếp, ngành này đã mang lại 15,65 tỷ USD cho GDP, tạo việc làm cho 299,1 nghìn lao động và nộp thuế 4,94 tỷ USD.

Cũng theo báo cáo này, ước tính trong năm 2011, Hàn Quốc đã xuất khẩu văn hóa đạt trên 392 triệu USD (438 tỷ Won) – một kết quả ấn tượng cả về con số tuyệt đối nhìn từ phương diện kinh tế.

Đại biểu MJ Hong, Chủ tịch Diễn đàn Văn hoá và Truyền thông của Quốc hội Hàn Quốc cho biết, ngành phim (bao gồm cả điện ảnh và truyền hình) nước này không chỉ nhắm vào tâm lý của riêng khán giả trong nước mà còn nắm bắt được tâm lý chung của khán giả khu vực châu Á và tạo ra hiện tượng Hallyu.

Bích Diệp