1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Từ Apple nghĩ đến giá trị của văn hóa doanh nghiệp

Dạo tháng 2/2015, khi Apple vượt mốc 700 tỉ USD về giá trị doanh nghiệp thì tại Việt Nam đã xảy ra một cuộc “tranh luận bỏ túi” của các chuyên gia marketing và phát triển doanh nghiệp: Apple có một nền tảng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) như thế nào mà đã giúp tạo ra một môi trường làm việc đầy sáng tạo để từ đó góp phần thúc đẩy giá trị doanh nghiệp của Apple gia tăng mạnh mẽ đến vậy?

Có ý kiến cho rằng, VHDN đặc trưng của Apple là sáng tạo, mà Steve Jobs là một biểu tượng. Cũng có ý kiến trao đổi lại, rằng VHDN của Apple là bí mật. Cái gì của Apple cũng được giữ kín để bảo vệ sự sáng tạo, bởi nếu không sẽ bị lộ, rồi bị nhái, sao chép thì khó mà cạnh tranh. Nhưng cũng có ý kiến lại cho rằng VHDN của Apple là văn hóa kiểm soát chặt chẽ, nhưng cũng biết “rò rỉ” có ý đồ và sáng tạo khiến dư luận phát sốt mỗi dịp Apple chuẩn bị ra mắt một thế hệ iPhone mới, hay một phiên bản iPhone nâng cấp.

Dù thế nào chăng nữa, VHDN đã góp phần tạo nên sức mạnh của Apple. Bởi nếu chỉ có mỗi Steve Jobs thì có giỏi sáng tạo cỡ mấy cũng không thể tạo ra một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa hơn 700 tỉ USD như ngày nay. “Thánh Jobs” dù có bảo thủ hay khó tính, nhưng ông đã xây dựng được một tập thể chuyên tâm, đồng lòng sáng tạo, thì mới có  được những thế hệ iPhone, iPad nổi đình nổi đám như những năm qua.

Trên thế giới có hơn 300 định nghĩa về VHDN, nhưng có một vài định nghĩa khá phổ biến như: “Văn hóa doanh nghiệp là những niềm tin, thái độ và giá trị tồn tại phổ biến và tương đối ổn định trong doanh nghiệp. (Williams, A., Dobson, P. & Walters). Hoặc theo tác giả Gold, K.A, VHDN là “Phẩm chất riêng biệt của tổ chức được nhận thức phân biệt nó với các tổ chức khác trong lĩnh vực”.

Tóm lại, có thể nói VHDN là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng nên trong DN, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên DN, là truyền thống riêng và tạo nên sự khác biệt giữa các DN.

 

Từ Apple nghĩ đến giá trị của văn hóa doanh nghiệp - 1

 

Ý thức được giá trị của VHDN, một số thương hiệu Việt Nam đã có sự nỗ lực xây dựng bản sắc VHDN riêng, như Cafe Trung nguyên, Vinamilk... Đặc biệt, trong ngành ngân hàng được dự báo mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên gay gắt, vấn đề xây dựng VHDN đã được chú trọng ở những ngân hàng top đầu. Ngân hàng Techcombank, trong những năm gần đây, đã đẩy mạnh nhiều hoạt động xây dựng VHDN với mục tiêu và lộ trình rõ ràng. Các hoạt động VHDN của Techcombank rất đa dạng, có chiều sâu, bao gồm văn hóa làm gương của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tăng sự kết nối hỗ trợ hiệu quả giữa các bộ phận, xây dựng văn hóa cảm ơn đa chiều, thúc đẩy và lan tỏa niềm tin đối với những việc làm tốt, con người tốt trong ngân hàng… đã thực sự tăng cường sự gắn kết giữa mỗi cá nhân với ngân hàng.

Nòng cốt của những hoạt động này là đội ngũ “hạt giống đỏ”, gồm những cán bộ vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với công tác xây dựng VHDN. Họ là hạt nhân đi đầu, giúp lan tỏa và nhân rộng VHDN tới từng đơn vị. Anh Lữ Trọng Vân - Q.Giám Đốc Dịch vụ Ngân hàng Ưu tiên thuộc Techcombank Hà Thành, một “hạt giống đỏ” tiêu biểu ở Techcombank, cho biết: “Tại Techcombank, chúng tôi hiểu rằng, nguồn nhân lực là tài sản quý báu nhất để tạo ra giá trị cho ngân hàng, và một nền tảng VHDN đề cao tinh thần hợp tác sẽ là chất keo gắn kết đội ngũ để nhân lên sức mạnh của mỗi cá nhân, hướng tới mục tiêu khách hàng là trên hết.”

Sức lan tỏa của VHDN được cảm nhận rõ rệt bởi những CBNV tại Techcombank, thúc đẩy họ làm việc theo định hướng đem lại giá trị lớn hơn cho khách hàng và cho tổ chức, cũng là cho sự phát triển của mỗi cá nhân. Chị Trần Thị Nhung - Chuyên viên khách hàng cá nhân thuộc Techcombank Sài Gòn - chia sẻ: “Thông qua các hoạt động VHDN, tôi cảm thấy  mình là một phần gắn kết của tập thể, luôn được hỗ trợ từ hệ thống, được trọng dụng và được khen thưởng xứng đáng từ đó càng có động lực phục vụ khách hàng tốt hơn”.

 

Từ Apple nghĩ đến giá trị của văn hóa doanh nghiệp - 2

 

Rất nhiều sáng kiến đã được triển khai từ ban lãnh đạo cấp cao đến các giao dịch viên nhằm đẩy mạnh giá trị “Khách hàng là trên hết” trong toàn ngân hàng,  đặt khách hàng là trọng tâm trong từng hoạt động hàng ngày. Có thể kể đến sáng kiến “một ngày trực tiếp phục vụ” - theo đó các cán bộ quản lý cấp cao trực tiếp tham gia phục vụ khách hàng, từ đó giúp họ hiểu rõ hơn nhu cầu của khách hàng, hay các cuộc thi kỹ năng phục vụ khách hàng dành cho nhân viên trên toàn hệ thống.  Nhờ đó, mức độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ của Techcombank  đạt điểm khá cao. Phần lớn các khách hàng được khảo sát khẳng định sẽ tiếp tục  sử dụng dịch vụ ngân hàng trong tương lai và giới thiệu cho người quen.

Điều này góp phần giải thích Techcombank là một trong số ít ngân hàng có lượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tăng với tốc độ tương đối ổn định. Số lượng khách hàng cá nhân tăng từ 3,3 triệu cuối năm 2013 lên 3,7 triệu cuối năm 2014. Số lượng khách hàng ưu tiên tăng 20% trong năm 2014. Đây cũng là con số tương đối lớn so với mức trung bình của một thị trường 90 triệu dân nhưng có tới gần 100 ngân hàng trong và ngoài nước hoạt động.

Chuyên gia về “sức khỏe doanh nghiệp” Hoàng Đình Trọng trong một bài viết trên website cá nhân, cho rằng, việc xây dựng VHDN như đi gieo hạt giống, DN gieo hạt giống tốt sẽ gặt hái được mùa vàng. Theo một nghiên cứu, những doanh nghiệp dịch vụ có điểm tăng về VHDN 10% có thể giúp mang đến tỉ lệ tăng doanh thu đến 20%. Các DN ở Việt Nam dù tham vọng trở thành Apple có vẻ còn khá xa, vẫn có thể cải thiện sức cạnh tranh bằng một bản sắc VHDN riêng biệt như một số DN Việt đang làm.

PV