TTCK: Cảm hứng thiên đường và dự cảm địa ngục

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang ở những ngày tươi đẹp. Các phiên hồng với thanh khoản đạt trên nghìn tỷ đồng đang nối tiếp nhau đẩy các chỉ số thị trường lên trên ngưỡng kháng cự 500 điểm với VN-Index và 61 điểm với HNX-Index.

Ngày 8/10, thanh khoản thị trường cả phiên đạt gần 1.313 tỷ đồng, tăng 12% so với hôm trước.

VN-Index tăng 0,35%, vượt trở lại trên mức 500 điểm, thậm chí đóng cửa ở mức 502,22 điểm còn là cao hơn đỉnh của phiên hôm qua (502,16 điểm). HNX-Index cũng duy trì ở 61,23 điểm.

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết quý 3/2013, số lượng cổ phiếu và chứng chỉ Quỹ niêm yết trên TTCK đạt 825 mã, bao gồm 304 mã trên HOSE, 383 mã trên HNX và 138 mã trên UpCom, tính đến hết quý 3, giá trị vốn hóa thị trường/GDP đạt khoảng 27,9% GDP 2012. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, trong đó khối lượng mua ròng 9 tháng tăng 82%, giá trị mua ròng đạt 3.777 tỷ đồng, tăng 198,4% so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện có khoảng gần 1 triệu tài khoản của nhà đầu tư trên thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2013, có 551 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch (208 cá nhân, 344 tổ chức), tăng 65,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn huy động trên TTCK đầu tư cho sản xuất kinh doanh qua kênh này qua phát hành thêm cổ phiếu và cổ phần hoá 6 tháng 2013 đạt 5.000 tỷ đồng. 

Cảm hứng thiên đường hay phiêu lưu?

Cảm hứng thiên đường hay phiêu lưu?

Sau nhiều tháng TTCK “hôn mê” với rất nhiều lý do như “sell in May”, “tháng cô hồn”, “ngoại bán ra”, “margin”, “chơi kiểu gì cũng chết”… TTCK đang có những chuyển biến tích cực, những phiên giao dịch nghìn tỷ đã xuất hiện, thay vì cảnh các nhà đầu tư lên sàn để ngủ gật.

Rất nhiều cổ phiếu có giá tăng gấp đôi trong một thời gian rất ngắn trong “con sóng” được cho là đang hình thành này, như: TTZ (tăng từ 1.900 đồng lên 4.000 đồng/cp); HHG (từ 1.900 đồng lên 3.600 đồng); PXM (từ 500 đồng lên 1.000 đồng); YBC, PVT, PTB… (tăng khoảng 50%) và nhiều cổ phiếu có tính đầu cơ cao bật mạnh như: KBC, ITA, IJC, KLF…

Nhiều nhà đầu tư phấn khởi với những nguồn tiền nghìn tỷ trở lại TTCK cùng các chỉ báo phân tích kỹ thuật cho tín hiệu tích cực và nhiều thông tin hỗ trợ đi kèm như: số lượng đơn đặt hàng và việc làm tăng kỷ lục (chỉ số PMI); doanh số bán hàng ra nước ngoài tăng đáng kể; VAMC bắt đầu hoạt động; FDI tăng mạnh; kỳ vọng vào TPP, vào khả năng nới room cho khối ngoại, nhất là đối với lĩnh vực ngân hàng…

Xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường đã quá rõ. Vấn đề chỉ còn là thị trường sẽ điều chỉnh khi nào để rồi sau đó vượt qua vùng kháng cự mạnh 500-510 điểm. Dòng tiền đang mạnh mẽ và có thể vượt vũ môn thành công lần này bởi các tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi khá vững chắc.

Dĩ nhiên cũng còn rất nhiều lo ngại với một thị trường, nói như một nhà đầu tư là loại thị trường “trở mặt như trở bàn tay”. Sự sôi động, tăng thanh khoản, ngôn ngữ thị trường gọi là sóng gần đây ngày càng ngắn hơn, bởi sự nghi ngờ, chán nản, thất vọng vẫn còn bao trùm, niềm tin chưa được phục hồi.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh cũng dễ dàng quay đầu giảm giá nhanh. Nhiều cổ phiếu biến động lên xuống 5-7 lần trong một khoảng thời gian rất ngắn. Nhiều mã tăng trần 5-10 phiên liên tục nhưng tính thanh khoản rất thấp, trong khi các mã lớn chưa bứt phá; khối ngoại cũng chưa có xu hướng mua-bán rõ ràng. Và quan trọng hơn, sự minh bạch, hoạt động của các “tổ lái”, những “đạo diễn thị trường” vẫn khống chế TTCK, “ăn thịt” các nhà đầu tư nhỏ không biết “tanh”.

Nhưng không thể nói khác được, đang có một cơn sóng lớn với nhiều nghìn tỷ đồng đang đổ vào TTCK. Vấn đề, có thể nói là có tính quyết định là tiền ở đâu ra và nó ở lại với TTCK bao nhiêu lâu. Liệu nó có phải là cơn sóng thần đổ bộ để khi nó rút ra sẽ để lại trên thị trường một bãi hoang tàn.

Những nguồn tiền và dấu hỏi

Có hai nguồn tiền hoạt động chủ yếu trên TTCK: vốn của các nhà đầu tư nước ngoài và vốn nội, nghĩa là vốn trong nước. Trong mấy tháng vừa qua động lực chủ yếu trên thị trường đều từ vốn ngoại. Chỉ cần một cái hắt hơi của nguồn vốn này, tất cả thị trường lăn ra ốm luôn.

Trong nhiều tháng, các nhà đầu tư chỉ có mỗi việc, dự đoán xem các nhà đầu tư ngoại sẽ mua gì, bán gì để mua trước, bán trước. Con số mua ròng 9 tháng qua của các nhà đầu tư ngoại lên đến 3.777 tỷ đồng nói lên điều đó. Tuy nhiên các nhà đầu tư trong nước đều khẳng định: các nhà đầu tư ngoại luôn luôn thắng trong kinh doanh cổ phiếu trên TTCK Việt Nam. Dĩ nhiên bởi họ là chuyên gia kinh doanh còn các nhà đầu tư trong nước chỉ là các tay chơi nghiệp dư.

Giá trị mua ròng của họ chỉ có 3.777 tỷ nhưng với giá cổ phiếu hiện nay, số cổ phiếu đó có giá trị trên 4.000 tỷ. Trong cơn sóng đang diễn ra này, mặc dù thanh khoản của vốn ngoại vẫn tăng nhưng không còn là chủ yếu và là động lực chính trên thị trường nữa. Nhiều nghìn tỷ vốn đầu cơ đã được tung ra thị trường. Những đợt “giải cứu” các cổ phiếu dầu khí vừa qua đã cung cho thị trường hàng trăm tỷ thanh khoản. Người ta không hỏi nhau khối ngoại mua gì, bán gì như trước. Người ta bắt đầu quan tâm tới những chỉ số, những thông tin từ doanh nghiệp…

Nhưng số tiền khổng lồ đó đến từ đâu? Sau những cơn bão tố, phải nói thẳng các nhà đầu tư trong nước không còn nhiều vốn nữa, nếu không nói chỉ còn vốn hàng xén. Các đại gia tài chính cũng nhìn thị trường tài chính như nhìn thấy địa ngục, không ai dám đầu tư.

Để giải quyết bài toán M&A thì đã có phương thức thỏa thuận, không mấy ai hy vọng M&A qua các qua các phiên khớp lệnh thị trường. Vậy tiền ở đâu? Không mấy nhà nghiên cứu nào trả lời được câu hỏi này, chưa kể còn một câu hỏi lớn hơn là nó ở TTCK bao nhiêu lâu vì chắc chắn nhiều nghìn tỷ đồng này không thể là vốn đầu tư dài hạn cho thị trường được. Bao nhiêu lâu, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và khi nó rút ra các chỉ số thị trường và giá cổ phiếu sẽ ra sao?

Ơ đây rồi!

Theo quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải hạn chế cho vay mua chứng khoán và trên thực tế số nợ xấu do cho vay kinh doanh chứng khoán cũng rất lớn, làm chùn tay các NHTM không dám cho vay.

Tuy nhiên, áp lực tăng tín dụng, giải tỏa vốn đang ị ra tại các NHTM đã làm thay đổi không chỉ quan niệm mà cả chính sách. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhiều khả năng cơn sóng trên TTCK hiện nay một phần do vốn từ các NHTM đưa ra. Nhưng theo các báo cáo từ các NHTM, tỷ lệ cũng như con số tuyệt đối cho thấy tín dụng cho kinh doanh chứng khoán không tăng. Vậy vốn ra bằng đường nào?

Thì đây rồi. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2013 của CTCK Agriseco ghi nhận hai khoản tiền mà CTCK này đặt cọc cho khách hàng theo các thỏa thuận mua chứng khoán với giá trị tổng cộng lên đến gần 1.542 tỷ đồng với lãi suất từ 11,5 - 28%/năm, không cần biết đến hiệu quả kinh doanh.

Các công ty chứng khoán khác cũng có các hoạt động tương tự. CTCK VPBS đặt cọc cho khách hàng số tiền gần 728,7 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6 (số dư đầu năm là hơn 716,2 tỷ đồng), CTCK Đại Dương (OCS) “đặt cọc” cho đối tác xấp xỉ 882 tỷ đồng và nhận một khoản “đặt cọc” với số dư 319 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6 (đầu năm là 344,5 tỷ đồng) từ một đối tác khác.

Khi CTCK nhận đặt cọc thường có nghĩa là CTCK đi vay. Đối với những CTCK có ngân hàng “chống lưng”, nhiều trường hợp đặt cọc không phải là hình thức CTCK đi vay ngân hàng, mà là ngân hàng thông qua CTCK để cho khách hàng vay hoặc gửi vào ngân hàng khác khi lãi suất liên ngân hàng thấp hơn lãi suất huy động. Chẳng hạn, CTCK MHB (MHBS) được Sở giao dịch Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long “đặt cọc” một khoản tiền có số dư tại thời điểm 30/6/2013 là 410 tỷ đồng. Tương tự, CTCK Navibank (NVS) được Ngân hàng TMCP Nam Việt đặt cọc 50 tỷ đồng. Còn CTCK Maritime Bank (MSBS) có một khoản “tiền đặt cọc bán cổ phiếu, môi giới trái phiếu” trị giá 181 tỷ đồng.

Nhưng không chỉ các loại hợp đồng đặt cọc. Hợp đồng “ủy thác đầu tư” (có các tên gọi khác như “thỏa thuận đầu tư”, “hợp tác cung ứng dịch vụ và đầu tư tài chính”…) cũng có hai dạng: một là CTCK ủy thác cho một bên nào đó, hai là một bên nào đó ủy thác cho CTCK. Gọi là ủy thác đầu tư nhưng lạ ở chỗ, bên ủy thác được nhận cố định một tỷ lệ phần trăm lãi trên số tiền ủy thác, mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của bên ủy thác. Việc này chẳng khác gì bên ủy thác là bên cho vay và bên nhận ủy thác là bên đi vay. Lãi trên số tiền “ủy thác đầu tư” đôi khi được các bên gọi rất “chuyên môn” là “chi phí cơ hội” hay “phí sử dụng vốn”.

CTCK Quốc Gia (NSI) có một khoản phải thu 115 tỷ đồng từ CTCP Tập đoàn Việt Phương (VPG) tại thời điểm 30-6-2013, phát sinh từ một hợp đồng gọi là “hợp đồng hợp tác cung ứng dịch vụ và đầu tư tài chính”. Theo đó, NSI giao vốn cho VPG để đầu tư, và VPG phải đảm bảo mức lợi nhuận tối thiểu cho NSI là 9%.

Vâng, hàng nghìn tỷ ở đây ra. Tất cả đều từ các NHTM. Để tiêu thụ hết số vốn khổng lồ các NHTM đã phải tìm đến TTCK. Và những lo lắng lớn hơn đã xuất hiện. Liệu các nhà đầu tư thật, các NHTM có bảo toàn được vốn sau những con sóng. Liệu những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng có bắt đầu từ những phấn khích trên các bảng điện tử không? Câu trả lời đang ở phía trước.

Theo Phan Đức
ANTĐ