1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TS.Lê Đức Thuý: "Găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên"

(Dân trí) - "Dù lãi suất huy động ngoại tệ chỉ bằng 0% nhưng vẫn không làm cho người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để gửi vào ngân hàng. Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay, chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên" - nguyên Thống đốc Lê Đức Thúy phân tích.

Huy động ngoại tệ tăng mạnh trong năm 2015, từ mức 4,7% của năm 2014 lên mức 14,3%
Huy động ngoại tệ tăng mạnh trong năm 2015, từ mức 4,7% của năm 2014 lên mức 14,3%

Phát biểu tại hội thảo "Công bố báo cáo tổng quan thị trưởng tài chính năm 2015 và chỉ số kinh tế dẫn báo" ngày 14/3, TS. Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NSFC) đánh giá, mặc dù mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là chống đô la hóa, nhưng thực tế lại cho thấy tỷ lệ đô la hóa đang tăng lên.

Theo đó, năm 2015, huy động vốn tăng 16,1% so với năm 2014, trong đó VND tăng 16,3% (năm 2014 là 19,3%); ngoại tệ tăng 14,3% (năm 2014 là 4,7%). Riêng tăng trưởng huy động ngoại tệ chỉ đột biến trong 4 tháng cuối năm (từ tháng 9 - 12/2015).

"Nguyên nhân là do Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, điều này đã tác động tới tâm lý của người dân và họ đã chuyển sang mua ngoại tệ, gửi vào hệ thống ngân hàng. Điều đó có nghĩa là người dân vẫn đang kỳ vọng từ tỷ giá", ông Phước phân tích. "Chúng ta thành công đưa tỷ giá hối đoái về mức ổn định nhưng tỷ lệ đô la hoá, giữ USD trong dân chúng lại tăng lên", vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Về vấn đề này, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho rằng, cần làm rõ hơn tình trạng mất cân đối trong huy động và cho vay VND cũng như trong huy động và cho vay USD. Huy động VND ít hơn cho vay VND, nhưng huy động ngoại tệ lại nhiều hơn cho vay ngoại tệ.

Theo phân tích của ông Thúy, "dù lãi suất huy động ngoại tệ chỉ bằng 0% nhưng vẫn không làm cho người dân chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để gửi vào ngân hàng. Huy động ngoại tệ vẫn nhiều hơn cho vay, chứng tỏ găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên".

Ông Thúy cũng đặt vấn đề, tại sao ngân hàng Việt Nam lại phải vay ngoại tệ ở nước ngoài? Ví dụ mới đây, một ngân hàng lớn đã phải vay các ngân hàng Đài Loan 200 triệu USD. Lãi suất là bao nhiêu trong khi ở Việt Nam lãi suất bằng 0?

"Tôi biết nhà kinh doanh không bao giờ dại dột đi vay lãi suất cao hơn bao giờ. Thế nhưng họ vẫn phải đi vay nước ngoài 200 triệu USD trong khi ở Việt Nam, ngân hàng vay người có USD lãi suất là 0%. Cần suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này" - ông Thúy nói.

Cũng tại hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch NFSC cho rằng, hệ thống ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro thanh khoản. Nguyên nhân chủ yếu do tín dụng trung dài hạn tăng trưởng trên 50%, trong khi vốn huy động trung dài hạn chỉ 10%.

"Đáng nói, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lên tới 31,8%, năm 2014 chỉ là 20,2%. Nếu nhà điều hành không có giải pháp điều chỉnh kịp thời thì các ngân hàng sẽ lâm vào khó khăn thanh khoản, sức khoẻ tiếp tục "mong manh" và không thể được coi là trụ cột, bệ đỡ bền vững của nền kinh tế" - ông Ngoạn lo ngại.

Bích Diệp

TS.Lê Đức Thuý: "Găm giữ ngoại tệ trong dân đang tăng lên" - 2