1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chứng khoán lập đỉnh 1.400 điểm, có nguy cơ bong bóng

An Linh

(Dân trí) - "Ngày 28/6, VN-Index tăng nóng lên mốc 1.405 điểm, gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán…" - TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định.

Tại Tọa đàm trực tuyến Thị trường chứng khoán và dự báo diễn ra ngày 29/6 ở Hà Nội, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã phân tích về thực trạng, đưa ra dự báo sớm đối với kinh tế Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu - một Việt kiều Mỹ, chuyên gia tài chính - ngân hàng, năm 2020, Mỹ tung ra gói hỗ trợ nền kinh tế với trị giá lên tới 2.000 tỷ USD và trong năm nay họ thực hiện gói hỗ trợ tiếp theo với trị giá 1.900 tỷ USD. Lượng tiền quá lớn đẩy vào nền kinh tế đang đe dọa lạm phát gia tăng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chứng khoán lập đỉnh 1.400 điểm, có nguy cơ bong bóng - 1

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng (Ảnh cắt từ video tọa đàm).

Theo ông Hiếu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Mỹ đang dần được kiểm soát, cộng với các gói kích thích kinh tế liên tiếp được triển khai giúp nền kinh tế phục hồi tăng trưởng. Điều này khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lo ngại lạm phát tăng. Dự báo lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ tăng lên khoảng 1,6% vào năm 2023.

Ông Hiếu cho rằng, một khi kịch bản lãi suất của Mỹ dần tăng, giá trị của đồng USD dự báo tăng, đồng nghĩa giá trị của VND giảm. Điều này tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

"Khi FED tăng lãi suất, có lẽ động thái tương tự cũng sẽ diễn ra ở Việt Nam trong bối cảnh tín hiệu lạm phát tăng, khi mà giá cả hàng loạt mặt hàng như sắt thép, xăng dầu… đều tăng mạnh. Một khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất, giá chứng khoán sẽ giảm…" - ông Hiếu dự báo.

Liên quan đến diễn biến trên thị trường chứng khoán gần đây, ông Hiếu nhìn nhận, thị trường chứng khoán không thực sự là hàn thử biểu phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, khi mà GDP của năm 2020 chỉ tăng ở mức 2,91%, 6 tháng đầu năm nay dự báo tăng trưởng khoảng 5,64% so với cùng kỳ năm trước.

"Tốc độ tăng trưởng GDP suy giảm do nền kinh tế bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có các doanh nghiệp ở nhiều khu công nghiệp. Ngày 28/6, VN-Index tăng nóng lên mốc 1.405 điểm, gây nên lo ngại về nguy cơ xuất hiện bong bóng trên thị trường chứng khoán…" - ông Hiếu nói.

Ông Hiếu phân tích thêm, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng cao, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động thấp. Điều này phần nào lý giải thông thường thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, nhà đầu tư đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản vì mặt bằng lãi suất thấp. Trong số nhà đầu mới tham gia thị trường chứng khoán gần đây, phần lớn không phải là nhà đầu tư tổ chức và chuyên nghiệp.

"E rằng tiền đang đổ quá nhiều vào chứng khoán, nhất là dòng tiền tập trung trên thị trường thứ cấp, chứ không phải sơ cấp. Có nghĩa là tiền chưa đến túi của các nhà sản xuất, kinh doanh. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn nếu diễn biến như hiện nay không kiểm soát chặt. Một khi hình thành bong bóng chứng khoán, thì sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế" - ông Hiếu cảnh báo.

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chứng khoán lập đỉnh 1.400 điểm, có nguy cơ bong bóng - 2

TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng việc đạt được mức tăng trưởng 6,5%/năm đã là cực khó, mức tăng 6% là thành công (Ảnh cắt từ video tọa đàm).

Tại tọa đàm, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính, thuộc BIDV - cho rằng: Nền kinh tế cuối năm sẽ đạt mức tăng trưởng theo kịch bản cơ sở, GDP tăng từ 6,1-6,3%. Đây sẽ là kết quả tương đồng so với dự báo của một số tổ chức quốc tế, dù có thấp hơn dự báo của Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành cho Việt Nam.

Một số dự báo từng lạc quan cho rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 7%, nhưng theo ông Lực, tác động từ việc đại dịch bùng phát trở lại cần được đánh giá kỹ hơn trong các dự báo tăng trưởng.

"Đại dịch tác động ít nhất đến 9 lĩnh vực khác nhau của kinh tế Việt Nam, nên chúng tôi cho rằng, năm nay, đạt được mức tăng trưởng 6,5% là cực kỳ khó" - ông Lực nói.

Theo ông Lực, Việt Nam cần cố gắng vượt một chút so với chỉ tiêu của Quốc hội đề ra, đó là tăng trưởng 6% cũng là thành công. Đặc biệt, không chủ quan với lạm phát, chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô để làm nền tảng cho kinh tế năm tới.