TS. Nguyễn Đức Kiên: “Vượt qua tư duy nhiệm kỳ để phát triển kinh tế”

(Dân trí) - “Chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt, vượt qua tư duy nhiệm kỳ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Rõ ràng tới thời điểm này thì kế hoạch phát triển kinh tế 2011-2015 là không đạt”, TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UBKT của Quốc hội nhấn mạnh.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội về phiên luận kinh tế - xã hội ngày 30/3, TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết:

Theo điều tra do các cơ quan chức năng mới công bố, chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp với các chính sách vĩ mô ngày càng giảm. Ví dụ như chỉ số về minh bạch, chống tham nhũng, vào thời điểm năm 2011chỉ có 28% doanh nghiệp trả lời phải có phong bì bôi trơn thì công việc mới đạt được. Nhưng đến năm 2012, con số này đã lên tới 41%.

Do đó, theo TS. Nguyễn Đức Kiên, nâng cao niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách vĩ mô của Nhà nước là hết sức quan trọng.

TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).
TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (ảnh: Việt Hưng).

Trước việc chỉ số niềm tin sụt giảm, để có thể vực dậy nền kinh tế đang “lâm trọng bệnh” hiện nay, theo ông, các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cần ưu tiên điểm nào?

Về việc triển khai thực hiện các chính sách, tôi muốn đưa ra một giải pháp dài hơi hơn. Tức là từ nay tới kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Chính phủ phải làm một đề án tổng thể trong 3 năm để khôi phục nền kinh tế.

Đề án này phải kéo dài tới hết năm 2016. Như vậy, nó không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của Quốc hội cũng như không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của Chính phủ, không phụ thuộc vào kế hoạch 5 năm.

Chúng ta phải nhìn thằng vào sự thật và sự thật ở đây là chúng ta đang gặp khó khăn. Cho nên chúng ta phải có những giải pháp quyết liệt, vượt qua tư duy nhiệm kỳ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế. Rõ ràng tới thời điểm này thì kế hoạch phát triển kinh tế từ 2011 - 2015 không đạt kết quả, do đó chúng ta phải điều chỉnh lại, phải tái cơ cấu nền kinh tế để tạo một động lực mới.

Để tái cơ cấu nền kinh tế thì vừa qua chúng ta mới chỉ tập trung vào các giải pháp kích cầu thị trường nội địa, nhưng chúng ta quên mất một điều là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hiện nay đã bằng 1,8 lần so với tổng thu nhập GDP. Vì thế, chúng ta phải tái cơ cấu cả thị trường mà chúng ta đang lấy làm trọng tâm thì chúng ta mới đạt được mục tiêu đề ra.

Tái cơ cấu phải có chi phí. Như vậy trần nợ công, tái cơ cấu đầu tư công, bội chi ngân sách là những khâu then chốt phải thực hiện trong kế hoạch 3 năm để phục hồi nền kinh tế. Còn cái tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thì chúng ta đang làm, hi vọng trong 2013 thì chúng ta sẽ giải quyết được tương đối cơ bản.

Chính phủ vừa đưa ra 6 nhóm giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, theo đánh giá của ông, đâu là nhóm giải pháp sẽ phát huy có hiệu quả nhất?

1 trong 6 nhóm này là về vấn đề an sinh xã hội. Vừa qua, trong khi kinh tế suy thoái, rất khó khăn thì chúng ta vẫn cố gắng đảm bảo các chỉ tiêu về an sinh xã hội. Đây là một điều rất đáng hoan nghênh từ Chính phủ, chi tăng hơn 2011 là 28%. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách cụ thể hơn, chúng ta phải xem người dân được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm từ chính những chính sách về an sinh xã hội như thế này?

Điều người dân đòi hỏi là chi cho an sinh xã hội tác động trực tiếp tới họ ra sao thì thực tế vẫn còn một khoảng cách nhất định từ lúc ban hành chính sách đến khi thực hiện. Nó thể hiện rằng cơ quan ban hành chính sách trong quá trình trình chính sách không trình kèm theo biện pháp hành động. Cho nên thời gian để chính sách được đưa vào cuộc sống bị kéo dài ra. Chính sự lệch pha này làm cho bức xúc xã hội nổi lên không đáng có.

Một số đại biểu Quốc hội khi đánh giá về tình hình triển khai kinh tế - xã hội bảy tỏ thái độ nghi ngờ tính xác thực của các con số trong báo cáo của Chính phủ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Quốc hội cung cấp cái nhìn từ phía cử tri, của phía đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi các chính sách, điều hành. Còn báo cáo của Chính phủ là báo cáo của cơ quan quản lý Nhà nước nên là hai cái này có thể vênh nhau.

Ví dụ như nói là chỉ số niềm tin của doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay là thấp hơn so với thời điểm trước. Bởi theo số liệu điều tra của các cơ quan chức năng thì 48% doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI đánh giá chính sách vĩ mô có nguy cơ gây rủi ro đối với doanh nghiệp, cộng thêm 22% doanh nghiệp đánh giá về lao động của Việt Nam (tay nghề kém, nhảy việc) tạo nên rủi ro cho doanh nghiệp khi làm ăn ở Việt Nam.

Cộng cả hai tỉ lệ này lại, khoảng 2/3 doanh nghiệp xác định những khó khăn của họ là do yếu tố chủ quan, nội tại của nền kinh tế. Đây là điều đáng lo.

Với góc độ là đại biểu Quốc hội, chúng tôi phải cung cấp thêm một cái nhìn như vậy để Chính phủ có được một cái nhìn toàn diện, tổng thể hơn về toàn cảnh của nền kinh tế.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền