TS Lưu Bích Hồ: Ngân hàng, BĐS bộc lộ lợi ích nhóm
"Dù Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế đã được phê duyệt nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu" vì sự cản trở của lợi ích nhóm thể hiện rõ. Thế nhưng, trong Đề án lại không thể hiện sự mạnh mẽ, quyết tâm cắt bỏ phần "ung nhọt" - TS Lưu Bích Hồ.
Đây là chia sẻ của TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển sau khi vừa trở về từ Diễn đàn kinh tế Kinh tế Mùa xuân 2013 tổ chức tại Nha Trang.
TS Lưu Bích Hồ: "Tái cơ cấu kinh tế là phải chấp nhận chịu đau, trả giá" |
Ngân hàng, bất động sản bộc lộ lợi ích nhóm rõ nhất
Thưa Tiến sĩ, các chuyên gia kinh tế tham dự Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2013 tỏ ra không hài lòng với Đề án Tổng thể tái cơ cấu kinh tế và cho rằng khó thực hiện vì lợi ích nhóm. Vậy xin ông có thể phân tích rõ hơn đó là nhóm nào? Sự cản trở đó thể hiện ra sao?
TS Lưu Bích Hồ: Diễn đàn vừa kết thúc, trong diễn đàn cũng có một số ý kiến nêu lên vấn đề này đặc biệt là TS Phạm Chi Lan. Đã từ lâu, ngay từ hơn 1 năm trước chúng ta đã thấy được cái khó của việc tái cơ cấu, nhiều người đã nói liên quan đến lợi ích nhóm. Rất đơn giản thôi vì tất cả những gì đã hình thành có một nguyên nhân rất quan trọng là lợi ích nhóm như: đầu tư, doanh nghiệp, ngân hàng và bất động sản…Điều này đồng chí tổng bí Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói rồi.
Nặng nhất là ở phần then chốt mà chúng ta đang phải xử lý: ngân hàng. Có thể thấy rằng muốn giải tỏa được nợ xấu thì ngân hàng phải vào cuộc. Chuyện này Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc nhưng vướng lợi ích của các ngân hàng thương mại. Rồi đứng sau đó lại là các đại gia kinh doanh bất động sản, đầu tư nhiều ngành khác nữa.
Trước đây, các ngân hàng và các đại gia này kết nối với nhau khi đầu tư kinh doanh thì thiết tha ngân hàng giải tỏa giúp. Lúc đầu tốt đẹp thì gắn bó, bây giờ là lúc cần phải xử lý thì ngân hàng lại không chịu buông, nhả bớt lợi ích ra. Lúc này Ngân hàng lại siết các doanh nghiệp. Đây chính là lợi ích nhóm.
Nhiều người nói rằng các ngân hàng ăn quá nhiều rồi, giờ phải sẻ chia với các doanh nghiệp. Còn các doanh nghiệp bất động sản ăn quá nhiều rồi phải chia bớt cho người dân bằng cách hạ giá nhà đi.
Các ngân hàng sở hữu chéo, tiền chạy loanh quanh trong ngân hàng. Đây cũng là một biểu hiện của lợi ích nhóm.
Có thể thẩy rằng, lợi ích nhóm giữa các ngân hàng với nhau, giữa ngân hàng với các doanh nghiệp.
Trong chuyện đầu tư cũng thế, muốn giải tỏa đầu tư công nhưng cũng không dễ gì giải tỏa được. Nhiều người vẫn kiên trì bảo vệ những công trình chưa thật sự phải làm ngay lúc này. Đây cũng là một biểu hiện của lợi ích nhóm.
Hãy soi câu chuyện này vào ngay các doanh nghiệp nhà nước thì sẽ thấy rõ, nhất là 2 tập đoàn Vinashin và Vinalines. Rõ ràng 2 tập đoàn này là có lợi ích nhóm nhưng bây giờ xử lý thì vẫn không chịu buông ra. Các doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn thì không có cách gì giải quyết được mà nhà nước thì lại cố gắng cứu.
Nói như vậy có nghĩa là tái cơ cấu cũng khó mà giải quyết được gì, vẫn là cái vòng luẩn quẩn?
Nói tái cơ cấu nhưng thực chất kết quả cũng chưa có gì ngoài danh sách khoảng chục nghìn doanh nghiệp đăng ký. Một vài việc cũng chỉ mới bắt đầu khởi động nhưng cũng còn gian truân lắm. Bởi khởi động mà không đúng với hướng tái cơ cấu, không có thị trường, không nâng cao được chất lượng hiệu quả sản xuất thì cũng không làm gì được mà lại dễ rơi vào vòng luẩn quẩn cũ.
Về điều này, bản tin của Ủy ban kinh tế Quốc hội cũng đã nói ‘nền kinh tế vẫn đang trong vòng luẩn quẩn’. Tức là chữa được chỗ này thì lại phình sang chỗ kia, không xử lý được.
Ví dụ như lạm phát thắt chặt lại, tốt đấy nhưng lại không đơn giản chỉ là thắt chặt tiền tệ mà còn phải kích cầu cả nền kinh tế nữa… chỉ cần bơm nhiều tiền ra, đầu tư mà không hiệu quả thì nó sẽ bật trở lại.
Trong diễn đàn kinh tế tổ chức tại Nha Trang, các chuyên gia cũng nói vì chúng ta chữa bệnh nhưng không chữa căn nguyên mà mới chỉ là nói triệu chứng. Mới chỉ mang tính chất đối phó, chắp vá nên không giải quyết được.
Muốn tái cơ cấu phải làm căn bản hơn.
Theo Tiến sĩ phải căn bản hơn nghĩa là như thế nào?
Vấn đề quan trọng nhất là tư duy, nhận thức, quan điểm, chưa thống nhất được với nhau. Tư duy đi theo một mô hình kinh tế mới. Thế nhưng, tất cả những điều này không làm được vì lại gắn với lợi ích nhóm. Họ không muốn buông ra.
Nếu chuyển đổi sang một mô hình, cách làm ăn khác thì phải trả giá, đánh đổi. Muốn tăng trưởng thì đánh đổi bằng lạm phát. Khi không có cầu thì không tăng trưởng được. Nhiều chuyên gia cho rằng việc này chúng ta chưa xử lý đồng bộ được và trên thực tế là chưa xử lý.
Vòng luẩn quẩn này thể hiện nền kinh tế của chúng ta đang trong vùng trũng mấp mô, lúc lên lúc xuống. Như bất động sản cứ nói năm 2012 là hết đáy nhưng tại Diễn đàn các chuyên gia cũng cho rằng nếu Chính phủ làm tốt thì may ra cuối năm 2013 mới chạm đáy. Nhưng không ai biết là đáy ở chỗ nào, không ai có thể dự báo được.
Cần can đảm 'cầm đá ghè vào chân mình'
Trong một cuộc họp bàn phân tích về tình hình kinh tế năm 2013 mới đây, có ý kiến cho rằng, tái cơ cấu tức là chấp nhận ‘bóp chết’, xóa sổ cái không cần thiết, mầm bệnh, ung nhọt. Ý kiến của ông như thế nào?
Đúng như vậy. Hiện nay nguồn lực đang phân bổ vào những chỗ không hiệu quả thì bây giờ phải cắt nó đi để chuyển sang vùng có hiệu quả hơn. Như Vinashin, Vinalines các vị ấy cũng đang cố gắng lắm nhưng cứ để hàng nghìn tỷ đồng như vậy thì ai dám đụng vào?
Những chuyện như thế này chỉ có cách là chấp nhận chịu đau thôi.
Chỉ có thể giải quyết được bằng cách cắn răng lại mà chịu đựng thì mới tái cơ cấu được. Cái gì cần bỏ đi thì bỏ đi. Cái gì cần quyết tâm làm mới thì làm mới. Doanh nghiệp nhà nước không nên giữ quá, phải tìm mọi cách để giảm bớt, thậm chí cho phá sản.
Thế nhưng có lẽ khó có ai dám tự 'cầm đá ghè vào chân mình'?
Nếu đã quyết tái cơ cấu nền kinh tế và cần phải có can đảm "cầm đá ghè vào chân mình" thì trách nhiệm ấy thuộc về ai, thưa ông?
Đúng là Chính phủ phải quyết nhưng khổ nỗi nền kinh tế của chúng ta không quen với lối quyết như vậy. Cái gì cũng phải bàn, xin ý kiến chứ không phải cá nhân nào đứng ra quyết và chịu trách nhiệm.
Bản thân tôi có đề nghị tái cơ cấu vướng vì nằm trong khu vực điều hành nhiều thì xin với Quốc hội đứng ra đứng mũi chịu sào. Quốc hội lập ra một Ủy ban đặc biệt, phối hợp với cả hệ thống chính trị, cùng với Chính phủ làm may ra mới thay đổi được. Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng các vị đại biểu Quốc hội cần có sự can thiệp giống như chất xúc tác vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Nếu để như hiện nay thì giống như hơn một năm qua chưa có kết quả gì đáng kể mà chỉ xong được cái Đề án tái cơ cấu kinh tế.
Thế nhưng nhiều chuyên gia cũng không đồng tình để án, phải chăng chính là nó chưa chạm đến 'cái gốc của bệnh' để có thể giải bài toán tái cơ cấu?
Đúng là như vậy. Nhiều chuyên gia không đồng tình là vì thấy có vấn đề quan điểm ở đây. Đáng ra phải mạnh mẽ hơn chứ không phải ‘mơn man’ như hiện nay. Thế nhưng Viện Quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng không thể làm hơn được nữa. Có ý kiến cho rằng phải làm lại, xin lại ý kiến Quốc hội. Hoặc Quốc hội phải ra một Nghị quyết nào đó để nâng tầm lên chứ không thể để mình Chính phủ thực hiện.
Chúng ta có hai việc lớn chống tham nhũng và tái cơ cấu để chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Phải quyết tâm làm được thì mới phát triển nhanh và bền vững được.
Lợi ích nhóm phải khắc phục kiên quyết cả quá trình vì nó gắn với xử lý kinh tế và cả chính trị. Nếu không xử lý được con người, bộ máy thì đồng nghĩa là không xử lý được công việc.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!