Truyền hình K+ lỗ lũy kế gần 3.800 tỷ đồng, VTV sắp bán 15% cổ phần

Việt Đức

(Dân trí) - VTV sẽ bán đấu giá 15% cổ phần tại VSTV, công ty con đang sở hữu thương hiệu truyền hình K+.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo phiên đấu giá đầu tiên sẽ diễn ra trong năm 2022. Đáng chú ý, phiên đấu giá này liên quan đến Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Cụ thể, VTV sẽ bán đấu giá 15% cổ phần Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV), doanh nghiệp sở hữu thương hiệu truyền hình K+, đồng thời là đơn vị đang nắm giữ độc quyền bản quyền phát sóng trực tiếp giải bóng đá Ngoại hạng Anh tại Việt Nam. Đối tượng chào bán giới hạn trong phạm vi nhà đầu tư trong nước.

Hiện tại, VTV sở hữu tổng cộng 51% cổ phần VSTV. Như vậy, nếu đấu giá thành công, VTV sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại VSTV xuống còn 36%, đồng nghĩa với việc không còn nắm quyền chi phối truyền hình K+ nhưng vẫn có quyền phủ quyết các quyết định quan trọng của công ty này. Hiện tại, 49% vốn còn lại tại K+ do đài truyền hình Canal+ của Pháp nắm giữ.

Trong lần đấu giá này, mức giá khởi điểm cho 15% cổ phần K+ là 189 tỷ đồng. Như vậy, VTV định giá truyền hình K+ gần 1.300 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ của K+ khi thành lập là 344 tỷ đồng, riêng VTV góp vốn 176 tỷ đồng.

Truyền hình K+ lỗ lũy kế gần 3.800 tỷ đồng, VTV sắp bán 15% cổ phần - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Năm ngoái, K+ đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tuy nhiên lỗ sau thuế lên tới 265 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm, K+ có doanh thu gần 800 tỷ đồng nhưng tiếp tục lỗ gần 200 tỷ đồng. Tại thời điểm ngày 30/9, lỗ lũy kế của đơn vị truyền hình này đã lên tới gần 3.800 tỷ đồng sau nhiều năm liên tục thua lỗ.

Ban lãnh đạo K+ giải thích do phải hoạt động trong tình trạng thiếu vốn nên đài truyền hình này phải hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay, dẫn đến hậu quả gánh nặng chi phí tài chính lớn. Từ năm 2016, VTV và Canal+ đã trình kế hoạch tăng vốn cho VSTV nhưng chưa thực hiện được. 

Thương hiệu K+ cũng thừa nhận sự xuất hiện của các nhà cung cấp nội dung xuyên biên giới như Netflix, Facebook khiến ngành truyền hình truyền thống chịu nhiều thách thức. Năm 2020, có khoảng 16,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền tại Việt Nam nhưng tổng doanh thu toàn ngành chỉ khoảng 8.800 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2016, ngành truyền hình có doanh thu 12.000 tỷ đồng dù chỉ có 12,5 triệu thuê bao.