1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Trước khi tiến hành đòi nợ, phải thông báo cho... công an xã

(Dân trí) - Tại Nghị định 96 mới ban hành, Chính phủ quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ trong thời hạn 3 ngày trước khi thực hiện hợp đồng đòi nợ phải có văn bản thông báo cho công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ. Khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng.

Với quy mô tín dụng đen lên tới 50 tỷ USD, dịch vụ đòi nợ thuê nở rộ ở Việt Nam với không ít rủi ro về mất trật tự an ninh xã hội
Với quy mô tín dụng đen lên tới 50 tỷ USD, dịch vụ đòi nợ thuê nở rộ ở Việt Nam với không ít rủi ro về mất trật tự an ninh xã hội

Theo quy định tại Nghị định số 96 vừa được Chính phủ ban hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Những cơ sở này phải có trách nhiệm tuyển chọn, sử dụng nhân viên dịch vụ đòi nợ là người không có tiền án về các tội giết người, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác và các tội xâm phạm sở hữu; chỉ được hoạt động dịch vụ đòi nợ trong phạm vi pháp luật cho phép và phải có hợp đồng ủy quyền của chủ nợ.

Trong thời hạn 3 ngày trước khi thực hiện hợp đồng đòi nợ phải có văn bản thông báo cho công an xã, phường, thị trấn nơi tiến hành đòi nợ.

"Khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng; không sử dụng những người không phải nhân viên của cơ sở kinh doanh thực hiện việc đòi nợ", Nghị định nêu rõ.

Do là 1 trong 13 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh, Nghị định cũng yêu cầu, người đòi nợ không được nằm trong số những "thành phần bất hảo" như đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính...

Đặc biết, người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh đòi nợ càng không được là bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử. Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 3 năm tù trở lên chưa được xóa án tích. Hoặc đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của tòa án.

Trên thực tế, dịch vụ đòi nợ thuê là một loại hình kinh doanh rất phổ biến, nhất là khi các mối quan hệ kinh tế, tài chính ngày càng trở nên phức tạp. Mặc dù mạng lưới ngân hàng được mở rộng, song nguồn cho vay phi chính thống vẫn không ngừng phát triển, thường gọi là "tín dụng đen".

Hiện Việt Nam chưa có một thống kê chính thức về các khoản vay tín dụng đen nhưng theo ước tính được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố năm 2013, cho vay tín dụng đen thời điểm đó tương đương khoảng 30% tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp, hay nói cách khác, quy mô tín dụng đen ở Việt Nam rơi vào con số khoảng 50 tỷ USD.

Trong quá trình đòi nợ, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã sử dụng lực lượng "xã hội đen" để uy hiếp, đe dọa "con nợ" buộc phải tìm mọi cách hoàn trả tiền. Điều này tiềm ẩn những rủi ro về mất an ninh trật tự xã hội. Chính vì vậy, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, việc siết chặt hơn điều kiện kinh doanh đòi nợ thuê là một trong những bước đi cần thiết để làm sạch môi trường kinh doanh cũng như đảm bảo trật tự trị an xã hội.

Bích Diệp