1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc trong “bi kịch” bong bóng giá nhà đất

(Dân trí) - Giá nhà đất cao ngất ngưởng tại Trung Quốc không chỉ vì “cầu ảo” cùng làn sóng cho vay mà còn do những thế lực ngầm đầy quyền năng.

Trung Quốc trong “bi kịch” bong bóng giá nhà đất - 1
Cơn sốt nhà đất tại Trung Quốc là một hiện tượng không lý giải.
 
Gần đây chương trình truyền hình “nóng” nhất tại Trung Quốc là seri phim “Ngôi nhà ốc sên” phơi trần những chuyện tình dục, tham nhũng và đấu đá chính trị. Điều đáng nói là tất cả mọi chuyện lại chỉ vì giá nhà đất.

Sự thành công của “Ngôi nhà ốc sên” nói lên một tâm trạng phổ biến ở Trung Quốc ngày nay. Trong khi thế giới kinh ngạc trước tốc độ phục hồi của Trung Quốc, thì seri phim này lại phơi bày những bất ổn đang dâng cao vì những căn hộ có giá “trên trời” ở đây.

Nỗi lo giá nhà khiến giới đầu tư càng sợ hãi trước viễn cảnh cơn sốt cho vay tại Trung Quốc năm ngoái đang bơm lên bong bóng bất động sản mà cuối cùng sẽ nổ tung và làm trật bánh cả nền kinh tế.

Dân thành thị Trung Hoa cay đắng thốt lên rằng mình chỉ là “nô lệ của những khoản vay mua nhà”. Bởi thực tế, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện nay mang dáng dấp của những gì đã diễn ra ở Dubai.

Giá trung bình của một căn nhà mới trong 11 tháng đầu năm đã tăng 68% ở Thượng Hải, 66% ở Bắc Kinh và 51% ở Thâm Quyến. Tờ China Daily tuần này lưu ý rằng nếu tính tỷ lệ giá nhà đất trong thu nhập, Trung Quốc là nơi đắt đỏ nhất thế giới.

Theo Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, trong hai thập niên tới có thể có tới 400 triệu người chuyển ra thành thị, tức là tương đương với 322 thành phố Dubai. Những người lạc quan cho rằng với sức cầu tiềm năng ấy, chẳng đáng mất ngủ vì sợ thị trường bất động sản đóng băng.

Nhưng có một lý do khiến những người lạc quan nhất cũng phải dè chừng: tỷ lệ căn hộ trống ở các khu nhà ở cao cấp. Patrick Chovanec, một nhà kinh tế tại Đại học Thanh Hoa, gọi đó là “cầu ảo”. Chính ông cũng đã mua một căn hộ trong một tòa chung cư đã được bán hết nhưng phần lớn bỏ trống.

Theo ông Chovanec, lý do là người Trung Quốc xem căn hộ giống như vàng, với chức năng “lưu trữ giá trị”. Trong một nền kinh tế đóng không có mấy lựa chọn đầu tư, họ đỏ phần lớn tiền tiết kiệm vào bất động sản.

Trung Quốc không chỉ cần tái cân đối nền kinh tế mà còn cả thị trường nhà đất nữa, hướng luồng vốn vào những khu nhà dành cho người thu nhập thấp đang rất cần thiết thay vì những căn hộ hạng sang không được dùng đến.

Giải pháp hiển nhiên sẽ là đánh thuế bất động sản. Rất nhiều nhà kinh tế Trung Quốc xem thuế bất động sản là phương thuốc thần diệu chữa trị những ung nhọt trong nền kinh tế ngày càng mất cân đối của Trung Quốc.

Thảo luận đã nhiều năm trời nhưng Trung Quốc chưa áp thuế bất động sản. Nhiều nhóm đặc quyền đặc lợi hùng mạnh nhất ở Trung Quốc hiện nay là một liên minh chặt chẽ giữa các nhà thầu bất động sản và quan chức địa phương cùng hưởng lợi từ cơ chế mờ ám mà “Ngôi nhà ốc sên” là một minh chứng.

Chuyện áp thuế thế nào cũng là cả một vấn đề. Thuế bất động sản có thể xì hơi một bong bóng khổng lồ nhưng nếu làm không khéo sẽ khiến thị trường lao dốc.

Minh Tuấn (theo FT)