Trung Quốc thu hoạch 500.000 ha vải thiều, Việt Nam có lo?
Diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.
Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay, vụ thu hoạch vải tại Trung Quốc thường bắt đầu từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 7 hàng năm, sớm và kéo dài hơn so với vụ thu hoạch vải của Việt Nam.
Số liệu cho thấy năm 2018, diện tích trồng vải của Trung Quốc khoảng 542.000 ha với sản lượng đạt khoảng 2,3 triệu tấn, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, Trung Quốc hàng năm vẫn nhập khẩu quả vải tươi từ các thị trường khác, trong đó phần lớn là từ Việt Nam.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, thông lệ các năm trước, thời điểm cuối vụ (từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 7), giá vải nội địa thị trường Trung Quốc thường sẽ giảm so với các thời điểm trước đó do quả vải cuối vụ có chất lượng không bằng.
Tuy nhiên, với diễn biến giá cả và sản lượng thực tế năm 2019, giá quả vải bình quân tại thị trường nội địa Trung Quốc năm nay dự kiến sẽ cao hơn năm 2018.
Trung Quốc trồng diện tích lớn vải thiều nhưng năng suất thấp, chất lượng không bằng vải thiều Việt Nam.
Mới đây, ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết năm 2019, Bắc Giang có khoảng 90.000 tấn vải thiều (tương đương 60% tổng sản lượng vải toàn tỉnh) đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Hiện, tỉnh Bắc Giang đang chuẩn bị tốt nhất cho công tác thu mua, vận chuyển, tiêu thụ vải thiều.
Phía Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để quả vải được thông quan, tiêu thụ thuận lợi tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, sẽ ưu tiên phân luồng riêng cho xe vải thiều xuất khẩu, tăng giờ làm, in sẵn tem truy suất nguồn gốc trên bao bì để cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhanh nhất mặt hàng vải quả từ Việt Nam.
Được biết, sau hội nghị xúc tiến tại thị Bằng Tường (Trung Quốc), tỉnh Bắc Giang đã đăng ký và được cơ quan chức năng Trung Quốc chấp nhận 149 mã vùng trồng với diện tích trên 16.000 ha (chiếm khoảng 60% tổng sản lượng toàn tỉnh) và 86 cơ sở đóng gói xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc.
Việc này tạo điều kiện cho các DN, thương nhân nước ngoài đến thu mua vải thiều theo hợp đồng thương mại chính thức, gia tăng giá trị nông sản qua xuất khẩu chính ngạch. Như vậy, tỉnh Bắc Giang đã sẵn sàng các điều kiện và đáp ứng đủ số lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Theo: Quang Huy
Pháp luật TPHCM