Trung Quốc thận trọng với hoạt động mua bán doanh nghiệp
(Dân trí) - Trong khi chính phủ và nhiều công ty Trung Quốc tìm cách mua lại doanh nghiệp nước ngoài, thì các nhà làm luật ở Bắc Kinh lại chuẩn bị thông qua quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua lại các công ty Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Sau 13 năm tranh luận, với nhiều bản dự thảo khác nhau, nhiều khả năng sắp tới Quốc hội Trung Quốc sẽ thông qua luật chống độc quyền. Dự thảo luật cuối cùng có một phần bổ sung, là việc công ty nước ngoài mua lại doanh nghiệp Trung Quốc “phải thông qua sự kiểm soát an ninh của nhà nước”.
Đây là nội dung mà nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và các luật sư nhìn nhận là Trung Quốc gia tăng sự hoài nghi đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, mặc dù hiện tại, chính phủ Trung Quốc đang thu hút được 200 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mua lại những công ty nước ngoài đang sở hữu công nghệ hoặc thương hiệu có giá trị.
Với 1,3 nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối và thặng dư thương mại lớn, giới chức Bắc Kinh luôn phải kiểm soát luồng tiền lưu thông, và ngăn chặn nguy cơ tăng giá của đồng Nhân dân tệ. Gần đây, lý do an ninh quốc gia thường xuyên được đưa ra để lý giải cho việc các hợp đồng thương mại bị trì hoãn, mà trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp nước ngoài nhìn nhận không có gì gọi là nguy cơ về an ninh.
Trong suốt gần 3 năm qua, Tập đoàn đầu tư tư nhân Carlyle của Mỹ đã tìm cách mua một công ty sản xuất thiết bị xây dựng của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa được chính phủ thông qua, vì một số quan chức Trung Quốc đề cập đến những lo ngại về an ninh quốc gia. Trường hợp khác là hợp đồng mua lại công ty sản xuất đồ gia dụng Trung Quốc của một công ty Pháp cũng đã bị đình lại để xem xét vấn đề an ninh, và cuối cùng Bộ Thương mại cũng thông qua.
Luật sư John Kuzmik của công ty luật Baker Botts ở Houston (Mỹ) nói: “Trung Quốc đã từng cần có nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý của nước ngoài, nhưng giờ đây, họ đã có tạm đủ vốn và bộ máy quản lý đã khá hơn, vậy thì còn cần nhà đầu tư nước ngoài làm gì?”
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cho rằng giới chức Trung Quốc lâu nay vẫn coi an ninh quốc gia là mối quan tâm lớn khi xem xét việc công ty nước ngoài muốn mua lại doanh nghiệp trong nước. Luật mới chẳng qua là đưa mọi việc trở thành chính thức. Nhiều quy định của Trung Quốc cũng yêu cầu vấn đề an ninh quốc gia phải được cân nhắc trong suốt quá trình chính phủ xem xét các hợp đồng sáp nhập và mua lại doanh nghiệp.
Đánh giá một cách khách quan, bộ luật mới có nhiều điều khoản đáp ứng được sự mong mỏi lâu nay của các công ty nước ngoài. Rõ nhất là việc các bản dự thảo trước chỉ đề cập đến việc bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, còn bản dự thảo cuối cùng nói đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo China Daily, trước năm 2004, hoạt động sáp nhập và mua lại doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 5% nguồn vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) vào Trung Quốc, nhưng tỷ lệ này đã tăng lên là 11% vào năm 2004, và khoảng 20% vào năm 2005.
Chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng kiểm soát đối với một số ngành nghề và giờ đây cho phép doanh nghiệp nước ngoài được sở hữu 100% trong một số lĩnh vưc mà trước đây chỉ được phép đầu tư dưới dạng liên doanh, như ngành sản xuất phụ tùng ô tô.
Tuy nhiên, trong những ngành chủ chốt, như lắp ráp xe ô tô, công ty đa quốc gia vẫn chỉ được sở hữu tối đa 50%.
QH-ND
Theo IHT