Trung Quốc tăng mua dầu giá rẻ của Nga khiến dầu Iran ế ẩm
(Dân trí) - Xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc đã giảm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ khi Bắc Kinh tăng mua dầu giá rẻ của Nga.
Theo Al Jazeera, các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Moscow đã làm chuyển hướng dòng chảy dầu thô của Nga sang phía đông, bao gồm Trung Quốc. Bắc Kinh, theo đó, đã cắt giảm nhu cầu đối với dầu từ Iran và Venezuela - 2 nước đang chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Khoảng 20 tàu chở dầu từ Iran đã neo đậu gần Singapore vào giữa tháng 5, theo dữ liệu từ các chủ hàng. Công ty dữ liệu và phân tích Kpler ước tính lượng dầu của Iran trong các kho nổi gần Singapore hiện tăng lên 37 triệu thùng từ mức 22 triệu thùng vào đầu tháng 4.
Mỹ đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét một lệnh cấm vận theo từng giai đoạn. Điều này khiến dầu và các sản phẩm dầu của Nga chuyển hướng sang châu Á.
"Nga có thể chuyển gần một nửa lượng hàng xuất khẩu sang Đông Nam Á và đặc biệt là Trung Quốc. Đó là mối đe dọa tiềm tàng lớn đối với xuất khẩu dầu thô của Iran", ông Hamid Hosseini, thành viên hội đồng quản trị của Liên minh các nhà xuất khẩu dầu, khí và sản phẩm hóa dầu của Iran ở Tehran, nói với Reuters.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran đã phải vật lộn trong nhiều năm dưới các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt đối với chương trình hạt nhân của Tehran. Từ lâu, nước này phụ thuộc vào việc bán dầu cho Trung Quốc để đảm bảo phát triển kinh tế.
Xuất khẩu dầu của Iran sang Trung Quốc ước đạt 700.000 - 900.000 thùng/ngày vào tháng 3. Tuy nhiên, trong tháng 4, xuất khẩu đã giảm 200.000 - 250.000 thùng/ngày, theo Iman Nasseri, Giám đốc điều hành khu vực Trung Đông của công ty tư vấn năng lượng FGE.
Còn theo Kpler, Iran đã xuất khẩu trung bình 930.000 thùng/ngày, chủ yếu sang Trung Quốc trong quý đầu tiên, và con số này giảm xuống còn 755.000 thùng/ngày trong tháng 4.
"Rõ ràng là Trung Quốc đang mua nhiều dầu Ural của Nga hơn. Xuất khẩu dầu Ural sang Trung Quốc đã tăng hơn 3 lần", ông Homayoun Falakshahi, nhà phân tích cấp cao của Kpler, cho biết.
Mặc dù tổng lượng dầu nhập khẩu gần đây giảm do dịch Covid-19, Trung Quốc vẫn là người mua lớn nhất đối với dầu thô ESPO Blend của Nga.
Theo các nguồn tin của Reuters, Iran và Nga trong những tuần gần đây đang thảo luận về cách thức mua bán dầu theo các lệnh trừng phạt. Một nguồn tin cho biết, Nga muốn tìm hiểu cách Iran điều hướng vận tải, thương mại và ngân hàng, trong khi hai bên cũng thảo luận về việc thành lập các công ty, ngân hàng và quỹ chung.
Một nguồn tin khác cũng tiết lộ rằng 2 bên đã lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán khi Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak thăm Iran vào tuần tới.
Dầu của Iran được cho là có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn, do đó chi phí chế biến đắt hơn so với dầu của Nga.
"Không ai còn mặn mà với dầu thô của Iran nữa vì các loại dầu của Nga có chất lượng tốt hơn nhiều trong khi giá thấp hơn. Những người bán dầu của Iran đang phải chịu áp lực rất lớn", một thương nhân của một công ty lọc dầu Trung Quốc cho biết.
Cũng theo thương nhân này, dầu Ural đang được bán cho Trung Quốc với giá rẻ hơn 9 USD/thùng so với dầu Brent giao tháng 6. Do đó, để cạnh tranh, Iran phải giảm giá 12 - 15 USD/thùng.
Một thương nhân châu Âu nói: "Người ta có thể mua dầu của Nga một cách hợp pháp với mức giá chiết khấu, trong khi dầu Iran vẫn là đối tượng của các lệnh trừng phạt". Người này cũng đề cập đến các biện pháp trừng phạt thắt chặt hơn của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Iran.
Ngoài châu Á, dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế của Nga cũng đang chảy vào các thị trường khác, đặc biệt là Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
Lượng dầu nhiên liệu của Nga đến trung tâm lưu trữ Fujairah của UAE dự kiến sẽ tăng lên khoảng 2,5 triệu thùng trong tháng 5, cao hơn khoảng 125% so với tháng 4.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng đẩy mạnh mua dầu thô của Nga. Theo Kpler, đến đầu tháng 6, Ấn Độ sẽ nhập khẩu hơn 30 triệu thùng, cao gấp đôi so với lượng nhập khẩu dầu của nước này trong cả năm 2021.