Trung Quốc lo mất lợi thế cạnh tranh

(Dân trí) - Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã lên tiếng cảnh báo rằng vào thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, Trung Quốc bắt đầu để mất lợi thế cạnh tranh trong hoạt động thương mại. Ông cũng cho rằng thách thức này là một phép thử cho năng lực lãnh đạo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến chỉ còn khoảng 9% trong năm nay, thấp hơn so với mức 11,9% của năm ngoái. Đây có thể sẽ vẫn là nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang e ngại về sự bất ổn khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, đặc biệt là trong các ngành xuất khẩu, khi nhiều nhà máy đã phải đóng cửa do nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới giảm sút.

 

Theo ông Hồ Cẩm Đào, môi trường cạnh tranh quốc tế đang khốc liệt hơn bao giờ hết, và chủ nghĩa bảo hộ đã bắt đầu gia tăng trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

 

Hãng Xinhua đã trích lời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cho rằng rõ ràng nhu cầu của thị trường nước ngoài đã giảm, và lợi thế cạnh tranh lâu nay của Trung Quốc đang dần suy yếu. Ông thúc giục lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Hoa tăng cường nỗ lực sửa đổi mô hình phát triển kinh tế nhằm đạt được sự tăng trưởng bền vững.

 

Ông cho rằng Trung Quốc cần nỗ lực cải thiện điều kiện sống cho nhân dân, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn và phát triển cân đối các khu vực nông thôn và thành thị.

 

Những nhắc nhở và thúc giục này của ông Hồ Cẩm Đào được đưa ra sau khi nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, Trương Bình, Chủ tịch Uỷ ban cải tổ và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC), hôm 27/11 phát biểu rằng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang có chiều hướng xấu đi, và rằng việc tỷ lệ thất nghiệp tăng cao có thể gây ra tình trạng bất ổn.

 

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan hoạch định kinh tế của chính phủ cho rằng bất chấp những tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ tăng trưởng 10% trong năm tới do nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng lên theo mức thu nhập trung bình của người dân được cải thiện, khi hàng triệu người lao động ngoại tỉnh đổ vào thành phố kiếm sống. Nhu cầu mua nhà, mua ô tô sẽ tạo sức mua lớn trên thị trường.

 

Ngày 26/11, Trung Quốc đã công bố đợt cắt giảm lãi suất lớn nhất trong vòng 11 năm, 1,08%, nhằm kích thích tiêu dùng của cá nhân và khối doanh nghiệp. Trước đó, ngày 9/11, một gói hỗ trợ kinh tế trị giá 586 tỷ USD cũng đã được chính phủ nước này tung ra nhằm kích thích tốc độ tăng trưởng. Gói kích thích kinh tế này dự kiến được giải ngân trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, tập trung vào các dự án như xây dựng nhà ở và mạng lưới giao thông vận tải; cắt giảm thuế; hỗ trợ nông dân và các hộ nghèo.

 

Bắc Kinh dự kiến chi 18 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,6 tỷ USD) riêng trong năm 2009 nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sử dụng nguồn vốn tích luỹ được qua nhiều năm tăng trưởng kinh tế ở tốc độ hai con số và bùng nổ xuất khẩu để xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông (đường sắt, đường bộ, đường không) và điện lưới.

 

Ông Hồ Cẩm Đào cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường trong chiến lược công nghiệp hoá và hiện đại hóa của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu phát triển đồng bộ cả khu vực nông thôn và thành thị.

 

Theo ông, Trung Quốc không nên chỉ chạy theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và ấn tượng, mà còn phải chú trọng tới sự phát triển xã hội.

 

Đặng Lê

Theo Xinhua, AP