Trung Quốc hạn chế đi lại, virus corona ảnh hưởng tới các nền kinh tế châu Á
(Dân trí) - Các ngành liên quan đến du lịch ở Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam và Úc được dự báo sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng bởi dịch virus corona.
Trung Quốc đã tạm dừng tất cả các tour du lịch theo nhóm cả trong nước và các quốc gia khác để ngăn chặn sự lây lan của một loại virus corona mới được cho là có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán, trung tâm của tỉnh Hồ Bắc.
Sự bùng phát dịch sẽ ảnh hưởng tới các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, hội nghị, sự kiện thể thao, du lịch và hàng không thương mại, Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng châu Á - Thái Bình Dương tại IHS Markit cho biết.
Các nền kinh tế ở châu Á sẽ phải chuẩn bị cho một năm khó khăn phía trước khi Trung Quốc đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh, các nhà phân tích và quan chức cảnh báo khi các hạn chế du lịch xảy ra.
Corona virus là một họ virus lớn bao gồm các triệu chứng cảm lạnh, tương tự SARS, dịch bệnh đã giết chết gần 800 người trên toàn cầu trong một đợt bùng phát từ năm 2002 đến 2003.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, chủng Corona Virus mới có tên là 2019-nCoV được cho là có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 14 ngày.
Việc dừng các tour du lịch từ Trung Quốc đã gây nên một làn sóng ảnh hưởng tới lĩnh vực du lịch toàn cầu, với việc các nền tảng đặt phòng và đại lý du lịch buộc phải hoàn tiền cho khách hàng.
Trip.com, nền tảng đặt phòng du lịch trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc đã phải thành lập một quỹ cứu trợ thảm họa trị giá 200 triệu USD để hoàn trả cho những khách hàng đã trả tiền cho các gói du lịch nhưng hiện không thể đi du lịch do những hạn chế, Jane Sun, CEO của công ty cho biết.
“Không chỉ riêng công ty của chúng tôi, cả thế giới sẽ hứng chịu một cú hích”, Sun nói.
Nhưng đã có nhiều trường hợp nhiễm corona virus bên ngoài Trung Quốc, trước mùa Tết Nguyên đán cao điểm bắt đầu vào ngày 25/1.
Các quốc gia đã xác nhận các trường hợp nhiễm corona virus mới bao gồm: Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Nhật Bản, Úc, Pháp và Mỹ.
Thu nhập gia tăng nhanh chóng ở Trung Quốc đã tạo nên sự bùng nổ trong các chuyến thăm du lịch của người Trung Quốc ra nước ngoài, tăng từ 20 triệu năm 2003 lên 150 triệu vào năm 2018. Do đó, nhiều nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương sẽ tổn thương nghiêm trọng do ảnh hưởng của Trung Quốc là rất lớn, Biswas nói trong một ghi chú vào thứ ba.
“Thái Lan, Nhật Bản và Việt Nam là một trong những nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bởi các hạn chế du lịch mới của Trung Quốc và sự chậm lại rõ rệt trong thời gian ngắn của các chuyến thăm của khách du lịch Trung Quốc”, Biswas nói.
Ông cho biết Thái Lan là một trong những quốc gia hưởng lợi nhất của sự bùng nổ du lịch Trung Quốc, với tổng số lượt khách du lịch Trung Quốc hàng năm đến Thái Lan tăng từ 2,7 triệu vào năm 2012 lên 10,5 triệu vào năm 2019. Chi tiêu du lịch của Trung Quốc tại Thái Lan ước tính lên tới 17 tỷ USD năm 2019
Tổng cục Du lịch Thái Lan đang phải họp với khu vực tư nhân vào thứ ba để giải quyết những lo ngại từ sự sụt giảm dự kiến trong kinh doanh, Bangkok Post đưa tin.
Ngành công nghiệp dịch vụ Nhật Bản cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự hủy bỏ chuyến đi và hủy khách sạn, Nikkei Asian Review đưa tin.
Đất nước này là một điểm nghỉ mát hàng đầu của khách Trung Quốc và Biswas lưu ý rằng tổng số lượt khách du lịch Trung Quốc đến Nhật Bản đạt 9,6 triệu vào năm 2019, chiếm 30% tổng số lượt khách du lịch nước ngoài của quốc gia này.
Trong khi đó, khách du lịch Trung Quốc chiếm một phần ba số chuyến thăm quốc tế đến Việt Nam và 15% tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Úc.
Biswas cho biết các chính phủ ở châu Á - Thái Bình Dương có khả năng phải thực hiện một loạt các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore Chan Chun Sing cho biết, dịch bệnh này dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của quốc gia, Reuters đưa tin. “Chính phủ đang xem xét các biện pháp hỗ trợ như cắt giảm thuế cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng như du lịch”, Chan cho biết.
Thùy Dung
Theo CNBC