1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trung Quốc dùng "chiêu cũ" để thúc đẩy nền kinh tế

Hương Vũ

(Dân trí) - Hơn nửa năm trôi qua kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền kinh tế Trung Quốc cũng đang dần cải thiện và phục hồi. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, thực chất đây là một “bước lùi về quá khứ”.

Trung Quốc dùng chiêu cũ để thúc đẩy nền kinh tế - 1
Nền kinh tế Trung Quốc dù cho thấy sự tăng trưởng hiếm có trong đại dịch, thì cũng đang gặp phải nhiều thách thức mới. Ảnh: SCMP


Theo SCMP, giới chuyên gia quốc tế đã chỉ ra rằng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một lần nữa, lại đang phải nhờ cậy vào ngành công nghiệp nặng, các dự án hạ tầng, nợ, đầu tư và các mặt hàng xuất khẩu có giá trị thấp.

Theo số liệu mới đây do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc đã cho thấy, sự tăng trưởng ngoài mong đợi với chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong tháng 7 đạt 51,1%, đánh dấu mức tăng trưởng tháng thứ 5 liên tiếp ở các ngành sản xuất, dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc.

Sự tăng trưởng này là nhờ có các đơn hàng xuất khẩu, các dự án xây dựng cùng với đầu tư nhà nước. Những tác động này đã chứng minh được Trung Quốc đang quay trở lại với cách thức cũ nhằm tránh rơi vào khủng hoảng.

SCMP dẫn lời giáo sư kinh tế Heiwai Tang thuộc Đại học Hồng Kông lý giải: “Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Trung Quốc có thể đẩy GDP bằng cách tăng đầu tư công hoặc tăng dự trữ than, quặng sắt... Bắc Kinh có thể tiếp tục làm như vậy trong 2-3 quý nữa”.

“Về cơ bản, Trung Quốc đang trở lại với mô hình tăng trưởng kinh tế nhờ đầu tư, và điều này sẽ có thể là một giải pháp phù hợp cho tình huống hiện nay. Nền kinh tế Trung Quốc đang dần trở nên yếu ớt hơn và căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang” - ông Tang nhấn mạnh.

Trung Quốc sẽ cố gắng dựa vào thị trường nội địa, tuy nhiên theo giới chuyên gia thì không dễ để Bắc Kinh thực hiện các cải tổ cần thiết để đạt được mục tiêu này.

“Rõ ràng Trung Quốc đang có xu thế hướng nội” - ông Bo Zhuang - nhà phân tích về Trung Quốc tại TS Lombard nhận định và nói thêm: “Còn theo tôi, thậm chí đây có thể được coi là bước mở đầu của tự cô lập. Tuy vậy, rất khó để biết được đây chỉ là một giải pháp nhất thời trước khi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây hay nó thực sự là một chính sách dài hạn.”

Thống kê cho thấy, nhập khẩu than tăng mạnh và các nhà máy thép tăng cường hoạt động cho thấy đầu tư xây dựng bùng nổ. Xuất khẩu các mặt hàng giá trị thấp cũng thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cú hích này chỉ có tác dụng ngắn ngủi.

“Nhu cầu nội địa suy yếu, các ổ dịch thỉnh thoảng xuất hiện khiến tốc độ phục hồi của ngành dịch vụ Trung Quốc trở nên chậm chạp. Tăng trưởng trong xuất khẩu hàng y tế sẽ sớm kết thúc, và căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến xuất khẩu cũng như đầu tư sản xuất của Trung Quốc sụt giảm” - nhà kinh tế Lu Ting của hãng đầu tư Nomura nói.

Trong khi đó, chính quyền các địa phương đang ồ ạt vay nợ với lãi suất thấp - tiêu biểu là huyện nghèo Dushan với khoản vay lên tới 40 tỷ nhân dân tệ (5,7 tỷ USD) - cao gấp khoảng 40 lần so với tổng thu nhập tài chính mỗi năm của huyện này, để đổ vào những dự án xây dựng rồi bỏ hoang,

Trung Quốc dùng chiêu cũ để thúc đẩy nền kinh tế - 2
Theo điều tra dân số năm 2017, quận Độc Sơn thuộc tỉnh Quý Châu là một trong những khu vực nghèo nhất Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Áp lực đè nặng trên vai các nhà làm chính sách khi yêu cầu được đặt ra là phải duy trì được tiến độ tăng trưởng kinh tế trong hơn 6 tháng tới đây. Các nhà phân tích đều tỏ ra nghi ngờ không biết liệu rằng “bí kíp” cũ của Trung Quốc liệu giờ có còn hiệu quả hay không.

“Nhìn bề ngoài, kinh tế phục hồi Trung Quốc ấn tượng. Nhưng thực sự là kinh tế Trung Quốc không hề cân bằng và còn phụ thuộc quá nặng vào các gói kích thích kinh tế" - nhà kinh tế Shaun Roache thuộc S&P Global khẳng định và cho rằng: Một khi Trung Quốc không diễn tròn vai đối tác thương mại lớn nhất của thế giới, tiêu dùng sẽ chính là chìa khóa để thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế Trung Quốc.