Trung Quốc đối mặt với “núi” hàng tồn kho ngày càng cao
(Dân trí) - Sau 3 thập kỷ tăng trưởng “nóng”, Trung Quốc đang đối mặt với những bất ổn kinh tế. Những “núi” hàng tồn kho xuất hiện trong mọi ngành kinh doanh từ xe hơi tới sắt thép và các loại hàng xuất khẩu truyền thống khiến doanh nghiệp “kêu trời”.
Bất chấp những nỗ lực không ngừng của chính phủ suốt từ đầu năm đến nay để chặn đà suy giảm, kinh tế Trung Quốc có vẻ rất khó đảo chiều khi hàng tồn kho của các doanh nghiệp liên tục tăng cao.
Hiện tượng này diễn ra ở hầu như mọi loại sản phẩm từ sắt thép, thiết bị gia dụng, xe hơi cho tới các loại căn hộ. Tình hình ế ẩm đã làm bùng nổ một loạt các cuộc chiến về giá trong bối cảnh các nhà sản xuất cố gắng xuất khẩu những thứ không thể bán trong nước.
Không phải đến bây giờ tình trạng tồn kho tăng cao mới diễn ra mà thực chất lâu nay mức độ trầm trọng của vấn đề đã bị chính phủ che giấu kỹ lưỡng bằng cách cấm công bố thông tin hoặc chỉnh sửa những số liệu kinh tế. Tất cả là nhằm duy trì niềm tin của các nhà đầu tư và giới doanh nghiệp.
Thế nhưng kết quả khảo sát các nhà sản xuất của HSBC/Markit được công bố hôm thứ Năm cho thấy, lượng hàng thành phẩm tồn kho tại Trung Quốc trong tháng 8 đã tăng nhanh nhất kể từ khi cuộc khảo sát này bắt đầu được thực hiện tháng 4/2004. Kỷ lục trước đó thuộc về tháng 6 vừa qua. Ngoài ra tình trạng này cũng xấu đi trong các tháng 5 và 7.
“Khắp các ngành công nghiệp sản xuất chúng tôi khảo sát, mọi người đều mong sẽ bán được nhiều hàng trong mùa Hè. Thế nhưng điều đó không xảy ra”, Anne Stevenson-Yang, giám đốc nghiên cứu của công ty phân tích kinh tế J Capital Research tại Hồng Kông nhận xét. Bà cũng cho biết với mức tồn kho cực kỳ cao các nhà máy đang tính đến việc cắt giảm sản xuất. “Mọi chuyện có vẻ đang tiến gần đến đình trệ”.
Các vấn đề tại Trung Quốc khiến các nhà kinh tế thế giới như gặp phải “ác mộng”. Từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực tăng trưởng mạnh nhất. Việc kinh tế suy yếu có nghĩa là nước này sẽ mua ít hàng hóa, dịch vụ hơn từ các nước khác khiến nhu cầu hàng hóa thế giới, vốn bị tác động mạnh bởi khủng hoảng nợ châu Âu, nay càng sụt giảm. Viễn cảnh hàng hóa toàn cầu ế đọng còn sản xuất èo uột vì thế càng tăng thêm.
Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, động lực chính của kinh tế nước này 3 thập kỷ qua đã tăng trưởng ở mức “rùa bò”. Nhập khẩu cũng hầu như không tăng, đặc biệt ở các mặt hàng nguyên liệu thô do các nhà sản xuất công nghiệp hầu như mất niềm tin rằng họ sẽ bán được hàng nếu tiếp tục sản xuất.
“Doanh số đã giảm 50% so với năm ngoái còn hàng tồn kho đã chất thành đống”, To Liangjian, chủ sở hữu một công ty bán buôn chuyên phân phối khung tranh và ly, chén cho biết. Thay vì chào đón khách ông chỉ còn biết ngồi đánh bài trên mạng bởi cửa hàng hoàn toàn trống vắng.
Wu Weiqing, giám đốc của một công ty bán buôn thiết bị vệ sinh, nhà bếp cho biết doanh thu cũng giảm mất 1/3 còn hàng hóa đang chất cao thêm. Thế nhưng các nhà máy bán hàng cho ông vẫn đang liên tục sản xuất với công suất cao.
“Nhà cung cấp của tôi có mức tồn kho khổng lồ bởi họ không thể dừng sản xuất. Họ không muốn lỡ mất cơ hội tăng doanh thu khi nhu cầu phục hồi. Hàng tồn kho trước đây thường đến rồi đi. Thế nhưng giờ nó chỉ nằm bẹp ở đây và sẽ còn tiếp tục tăng lên”.
Sự ế ẩm của thị trường hàng hóa Trung Quốc một phần đến từ chính sách hạ nhiệt thị trường bất động sản (BĐS) của chính phủ. Mới đây Bắc Kinh đã cấm những người đã có nhà mua thêm với hy vọng sẽ giảm đầu cơ trên thị trường BĐS, tăng lượng nhà ở giá rẻ. Hậu quả là giá nhà ở sụt mạnh khiến việc xây dựng bị cắt giảm, nhiều công nhân trở thành thất nghiệp.
Cùng lúc đó việc chính quyền Quảng Châu, một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc, giảm mạnh số lượng xe ô tô được phép đăng ký mới để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí càng khiến lượng xe tồn kho tăng cao. Nhiều thành phố khác cũng đang học tập Quảng Châu.
Những chính sách này đã “đẩy” lượng ô tô ế đọng ở nước này trong 6 tháng đầu năm lên cao. Chỉ riêng lượng xe tồn ở các nhà bán buôn chưa giao được cho các đại lý đã tăng gần 600.000 xe so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương khoảng 9%. Trong khi đó lượng tồn kho của các đại lý lên tới 2,2 triệu xe khiến nhiều nơi thậm chí không còn chỗ chứa.
“Mức tồn kho của chúng tôi hiện vô cùng cao”, Huang Yi, chủ tịch của Zhongsheng Group, chuỗi cửa hàng xe hơi lớn thứ 5 Trung Quốc chia xẻ. “Nếu tôi không có những khuyến mãi đặc biệt trong nửa đầu năm, tồn kho của chúng tôi có thể còn cao hơn”.
2 năm gần đây rất nhiều nhà máy ô tô tại Trung Quốc chỉ hoạt động ở mức 65% công xuất. Thông thường để có lời, các nhà máy sẽ cần vận hành ở mức 80%. “Tôi e rằng Trung Quốc sẽ đi theo vết xe đổ của Mỹ và sẽ phải mất nhiều thời gian để xử lý”, Geoff Broderick, tổng giám đốc khu vực châu Á của tập đoàn tư vấn toàn cầu J. D. Power & Associates nhận định.
Thanh Tùng
Lược dịch theo NYT