Trung Quốc đổ vốn vào Dệt may Việt Nam: “Chớ vội mừng!”

(Dân trí) - Dệt may Việt Nam cần tỉnh táo trước làn sóng "đầu tư cơ hội" của nhiều doanh nghiệp Trung Quốc muốn hiện thực hóa ý đồ biến Việt Nam thành nơi xuất khẩu hộ cho họ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Bổ nhiệm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinacomin
* Quy định ngành nghề cấm kinh doanh còn "mập mờ"
* Cô giáo trẻ trở thành nữ chiến binh IS tàn bạo như thế nào?
* Biến bãi hoang thành trang trại tôm doanh thu chục tỷ mỗi năm
* Apple góp một tay khiến Samsung mất quá nửa lợi nhuận
* Nhân viên ngân hàng và dầu khí nhận thưởng hậu hĩnh nhất

Ngày hôm qua, 1 tập đoàn của Trung Quốc đầu tư 200 triệu USD vào sản xuất dệt may tại Hải Dương, cùng ngày 1 liên doanh khác được chấp nhận đầu tư vào dệt may hơn 120 triệu USD tại Bình Dương.

 

Sự đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời gian gần đây đang khiến nhiều người lo ngại, khi cho rằng các DN Trung Quốc đang tận dụng các cơ hội giảm thuế 0% từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam sắp ký kết. Nguy cơ ngành dệt may Việt “may nhờ, xuất khẩu hộ” ngày càng rõ rệt hơn bao giờ hết.

 

Ồ ạt FDI Trung Quốc vào dệt may

 

Ngày 6/10/2014, Tập đoàn TAL (Hong Kong) cũng được Hải Dương chấp nhận đầu tư 200 triệu USD giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc. Nhà máy được đặt tại KCN Đại An, khu công nghiệp lớn của Hải Dương.

 

Trung Quốc đổ vốn vào Dệt may Việt Nam: “Chớ vội mừng!”
Dệt may Việt Nam cần sàng lọc và "khó tính" hơn để xây dựng chiến lược xuất khẩu và định vị thương hiệu quốc gia trước "làn sóng đầu tư cơ hội" của nhiều DN Trung Quốc biến Việt Nam thành nơi xuất khẩu hộ cho họ.

 

Dự kiến cả giai đoạn 1 và 2 của TAL tại Hải Dương có tổng vốn 600 triệu USD. Hiện, Tập đoàn TAL đã đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam từ năm 2004 với 1 nhà máy tại Thái Bình và có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ với các thương hiệu như Burberry, Banana Republic, Tommy Hilfiger...

 

Cùng ngày, 1 liên doanh khác của Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông) và Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương đã đầu tư 120 triệu USD xây dựng Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited. Dự án rộng 12ha tập trung vào lĩnh vực dệt vải, sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2015.

 

Trước đó, tháng 4/2014, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) được Nam Định cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất sợi - dệt - nhuộm với số vốn 68 triệu USD. Cũng tại thủ phủ ngành dệt may lớn nhất Việt Nam, một nhà đầu tư Hồng Kông cũng đề xuất xây dựng dự án Khu công nghiệp dệt may hơn 1.000 ha.
 
Năm 2013, tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) cũng đã xây dựng nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại Quảng Ninh.

 

Tại TP HCM, địa phương được đánh giá là không ưa những dự án dệt may vì chiếm quỹ đất lớn, ô nhiễm môi trường và sử dụng lao động chất lượng thấp thì đầu năm 2014 cũng đã chấp nhận cho hai nhà đầu tư là Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD và Công ty Gain Lucky Limited thuộc tập đoàn Shenzhou International (Trung Quốc), triển khai dự án dệt sợi, vải và may thành phẩm chuyên dụng thể thao.

 

Nhập thành phẩm, xuất khẩu hộ

 

Theo 1 DN lớn ngành dệt may Việt Nam, các Cty Trung Quốc hoạt động theo chuỗi liên kết, nhập khẩu từ công ty mẹ tại nước sở tại, gia công tại Việt Nam và xuất khẩu. Nhiều Cty Trung Quốc còn thực hiện gia công cho 1 số hãng dệt may lớn của nước ngoài, thậm chí cho các cty dệt may Việt Nam.
 
Sự có mặt của các DN dệt may Trung Quốc tại Việt Nam khiến rất nhiều DN dệt may nhỏ và vừa của Việt Nam rất khó tiếp cận được đơn hàng gia công trực tiếp từ nước ngoài, thậm chí nhiều DN phải nhận lại gia công (gia công lẻ) từ DN Trung Quốc.

 

Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư nước ngoài: sự gia tăng đầu tư lớn của các DN dệt may Trung Quốc thời gian gần đây do nhiều dự án của họ phải mở rộng để đón đầu các cơ hội làm ăn lớn với các đối tác.
 
Trong TPP, Trung Quốc không tham gia, điều này đặt câu hỏi cho các DN Trung Quốc phải làm gì trước cơ hội lớn như này và Việt Nam là sự lựa chọn hoàn hảo nhất của họ. Bên cạnh đó, chi phí lao động tăng tại Trung Quốc, chính quyền xiết chặt quản lý quy định về môi trường, công nghệ khiến chi phí đầu tư tăng cao và các DN Trung Quốc phải tính đến chuyển sản xuất về những nơi có chi phí lao động thấp hơn và các điều kiện môi trường không quá khắt khe.

 

Tuy nhiên, đánh giá khắt khe hơn, TS Lê Xuân Nghĩa - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thành viên ban tư vấn chính sách của Thủ tướng chính phủ có chia sẻ: Đừng vội mừng mà hãy nghĩ đến tương lai của ngành dệt may.

 

Từ chỗ nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công xuất khẩu đến nhập cả thành phẩm xuất khẩu chỉ là quãng đường rất ngắn: “Dệt May bao năm qua vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu của Trung Quốc. Sự hình thành của 1 số DN 100% vốn Trung Quốc trong ngành này tạo điều kiện thuận lợi để cho họ nhập thành phẩm và xuất khẩu. Từ chỗ chúng ta chỉ nhập nguyên liệu, gia công xuất khẩu, tôi lo ngại sắp tới chúng ta sẽ phải nhập thành phẩm để xuất khẩu. Hàng Việt nhưng xuất xứ từ Trung Quốc 100% là điều sẽ xảy ra”.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là sự “nguy hại ghê gớm” đối với ngành dệt may bởi sẽ làm mất thương hiệu của ngành xuất khẩu số 1 của Việt Nam, các sản phẩm có thương hiệu từ Việt Nam “thật” không thể cạnh tranh xuất khẩu về giá so với các DN Trung Quốc. Về lâu về dài, chắc chắn chúng ta sẽ vướng phải các quy chuẩn về Quy tắc xuất xứ hàng hóa từ các nước ASEAN, Mỹ hay EU…  Cũng theo ông Nghĩa, chính sự dễ dãi trong giao dịch thương mại, hợp tác và làm ăn với Trung Quốc đã khiến nhiều ngành nghề của Việt Nam kém chuẩn, lạc hậu và không có quy hoạch, định hướng.

 

Theo Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, sự mở rộng đầu tư vào dệt may của Trung Quốc không thể ngăn cản được. Tuy nhiên, chúng ta phải xiết chặt quản lý môi trường, công nghệ và áp dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ thương hiệu ngành và thương hiệu quốc gia.

 

Phân tích kỹ hơn, bà Lan chỉ rõ. Trong các cam kết gia nhập thị trường, các nước sẽ gỡ bỏ thuế quan 0% đối với các hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước đối tác của WTO và sắp tới là TPP. Trong cam kết về Quy tắc xuất xứ hàng hóa thì Việt Nam được điều khoản miễn trừ do có trình độ phát triển ngành thấp, quy mô nhỏ, tức là dệt may được nhập khẩu nguyên phụ liệu ở 1 nước thứ 3 để sản xuất và xuất khẩu. Đây là ưu đãi có lộ trình của các nước đối tác lớn dành cho các nước chưa có nền kinh tế thị trường đầy đủ và xem xét đến trình độ phát triển.

 

Với các ưu đãi của WTO, các Hiệp định song phương và cả TPP, ngành dệt may Việt Nam vẫn có thể được nhập nguyên phụ liệu dệt, nhuộm, vải từ Trung Quốc, Malaysia hay Indonesia… để phục vụ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật và các nước đối tác TPP. Đây là lợi thế cho DN dệt may Việt Nam nhưng cũng là cơ hội mà nhiều DN Trung Quốc đang tận dụng và hưởng lợi.

 

Theo đại diện của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong sản xuất dệt may xuất khẩu: dệt - nhuộm là công đoạn gây ô nhiễm môi trường nhất, đặc biệt các loại hóa chất sử dụng dệt, nhuộm vải được sử dụng rất nhiều và gây ô nhiễm môi trường. Hiện các dự án mở rộng đầu tư của DN dệt may Trung Quốc đều có dệt - nhuộm, nếu không quản lý chặt về môi trường và công nghệ dệt, chắc chắn các nhà máy này sẽ phát thải lớn.

 
Nguyễn Tuyền

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”