Trung Quốc: dịch vụ thuê bạn trai “diện” Tết nở rộ

(Dân trí) –Tết nguyên đán càng cận kề, dịch vụ cho thuê bạn trai tại Trung Quốc ngày càng đắt khách khi nhiều cô gái muốn có người đóng vai bạn trai về trình diện để tránh những câu hỏi đầy áp lực từ gia đình về chuyện hôn nhân dịp Tết.

Việc nhiều người tìm đến biện pháp này phần nào cho thấy áp lực rất lớn một số người trẻ tuổi tại nước này, nhất là những cô gái, phải đối mặt trong việc đáp ứng kỳ vọng của gia đình và chống lại xu hướng bị xem là tiêu cực của tình yêu hiện đại.

Nhiều bạn trẻ Trung Quốc sợ bị hỏi chuyện cưới xin khi về ăn Tết
Nhiều bạn trẻ Trung Quốc sợ bị hỏi chuyện cưới xin khi về ăn Tết

“Không còn trẻ và vẫn sợ phải đối mặt với sự rầy la của bố mẹ?”, một đoạn quảng cáo viết. “Cần có bạn trai để đối diện với gia đình? Cha mẹ bạn đã làm việc vất vả để nuôi lớn bạn, đem bạn trai về nhà là cách tốt nhất để trả ơn họ”, một đoạn quảng cáo khác hứa hẹn.

Hiện trên Taobao, một webiste bán hàng trực tuyến lớn tại nước này, có tới hơn 300 quảng cáo dịch vụ cho thuê bạn trai như vậy. “Những người trẻ vừa muốn về nhà lại vừa sợ về nhà”, Meng Guangyong, 29 tuổi đến từ tỉnh Quý Châu nhưng đang sống ở Bắc Kinh, nơi anh mở dịch vụ môi giới thuê bạn trai cho biết. Bản thân anh cũng sẵn sàng sánh vai cùng khách hàng khi cần.

“Nếu họ chưa tìm được bạn trai, khi họ về nhà cha mẹ sẽ rầy la họ hoặc bắt họ tham gia những buổi hẹn hò với những người họ chưa hề biết hoặc tìm một ai đó rồi giới thiệu cho họ. Rồi sau đó, dù tất cả những gì bạn muốn là tận hưởng dịp Tết nhưng rồi chẳng ai trong gia đình vui vẻ”.

Theo thống kê của tờ Dahe, một tờ báo tại tỉnh Hồ Nam, “Chừng nào con/cháu định lập gia đình?” chính là câu hỏi được lặp lại nhiều nhất tại các gia đình Trung Quốc trong dịp năm mới. Nhiều bậc cha mẹ tại nước này quan niệm hôn nhân là một bước tiến khá quan trọng trong cuộc đời.

Tại hầu hết các gia đình, khi một một người đã qua tuổi 25, anh ta hoặc cô ta bắt đầu phải đối mặt với những câu hỏi như trên. Và khi họ sắp đến tuổi 30, số lượng những câu hỏi như thế tăng gấp bội với sự hối thúc lớn hơn. Với những người đã kết hôn những chưa có con, họ lại phải đối mặt với câu hỏi ở giai đoạn hai: chừng nào có cháu cho ông bà đây?

Một nhân viên ngân hàng họ Ma, 26 tuổi, cho biết anh đã bị gia đình “dội bom” với những câu hỏi về chuyện khi nào mới ổn định công việc ngay sau khi rời trường đại học. Một khi đó có công việc thì anh lại được giục giã tìm bạn gái. Quá mệt mỏi với những câu hỏi lặp đi lặp lại chẳng mấy dễ chịu, anh cho biết “tai tôi muốn ù lên”.

Ma còn cho biết bố mẹ mình đã 2 lần bố trí để anh ăn tối cùng những cô gái trẻ mà không cho biết mục đích của bữa tối. Giờ thì anh đã trở nên cảnh giác bất kỳ khi nào bố mẹ đề nghị ăn tối cùng người lạ.

Thuê bạn trai/gái là một giải pháp được cho là giúp làm an lòng gia đình
Thuê bạn trai/gái là một giải pháp được cho là giúp làm an lòng gia đình

Cùng với việc kinh tế Trung Quốc đã phát triển mạnh trong vài thập niên gần đây, giới trẻ ngày càng quan tâm đến vật chất chứ không phải hôn nhân. Hu Xingdou, một nhà kinh tế và bình luận xã hội tại Viện công nghệ Bắc Kinh khẳng định.

Nam giới thấy việc kết hôn ngày càng đắt đỏ khi giá của một ngôi nhà, loại tài sản được bố mẹ vợ tương lai để ý nhất, cao ngất ngưởng. Chưa kể đến việc phải có ô tô và một công việc tốt. Trong khi đó với phụ nữ, cơ hội kết hôn của họ giảm sút mạnh sau tuổi 27, khi họ được gọi là “shengnu” hay “bà cô”.

“Không giống như ở phương Tây, nơi mỗi cá nhân đều rất độc lập và chuyện hôn nhân của họ hoàn toàn không dính gì tới bố mẹ”, ông Hu nói. “Người Trung Quốc quan tâm nhiều hơn tới quan điểm về chuyện gia đình. Bố mẹ phải được làm hài lòng”. Nhưng ông cũng cho rằng, những thập niên gần đây, “hôn nhân tại Trung Quốc bắt đầu giống như một giao dịch kinh tế”.

Ông cũng ủng hộ một cách thận trọng đối với giải pháp thuê bạn trai bởi nói “khiến cha mẹ cảm thấy dễ chịu hơn”.

Nhưng với những ai muốn thuê một bạn trai, rất có có thể họ sẽ thấy phức tạp không kém tìm một người bạn đời thực sự. Các loại phí dịch vụ rất tỉ mỉ và dày đặc: trò chuyện – 30 nhân dân tệ/giờ (khoảng 5 USD), đi ăn – 50 nhân dân tệ/giờ và tất nhiên chi phí bữa ăn do người thuê chi trả. Nói chuyện với người lớn – miễn phí. Với những ai rủng rỉnh, mức phí để có bạn trai trọn gói 1 ngày là 1000 nhân dân tệ.

Các loại phí phổ biển khác như: nắm tay, ôm, hôn cũng được quảng cáo với mức 10, 20 và 500 nhân dân tệ mỗi lần. Một số dịch vụ cấm bất kỳ hành động nào thân mật hơn mức trên nhưng một số khác cũng để ngỏ nhưng yêu cầu phải được xem giấy khám sức khỏe khi cần.

Ngoài chuyện tiền bạc thì các dịch vụ còn yêu cầu sự bảo đảm về an toàn và phương thức thanh toán. “Tôi muốn có tiền nhưng tôi cũng không muốn mất mạng”, một cô gái khẳng định trong quảng cáo dịch vụ “cho thuê bạn gái”. Cô yêu cầu khách hàng trả 15 nhân dân tệ/giờ khi tham dự các buổi tiệc nhưng khẳng định không đến những nơi “không an toàn”.

Về phần mình Meng cho biết việc vào vai giả làm bạn trai nhiều khi cũng có những chuyện hài hước. Một khách hàng nữ của anh từng yêu cầu người đóng thế phải cao, đẹp trai, quyến rũ để khiến bạn trai cũ tại quê phải phát ghen.

Một khi hai bên đã đạt được thỏa thuận, Meng cho biết anh khuyến khích các cặp đôi gặp nhau và cố tìm hiểu về nhau. Anh cho biết, có lẽ màn diễn kịch không chỉ khiến cha mẹ vui lòng trong dịp năm mới mà còn mang đến một sự thích thú nho nhỏ với cả 2 người, nhất là khi ngày lễ tình yêu Valentine cũng rơi vào dịp Tết.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm