Trung Quốc: Đất nước “ngấu nghiến” tài nguyên!
(Dân trí) - Đây là nhận xét được các chuyên gia phân tích từ VDSC đưa ra tại báo cáo gần đây về tình hình cung cầu quặng sắt thế giới.
Là nước nhập khẩu quặng lớn nhất thế giới, khoảng cách mà Trung Quốc tạo ra với vị trí nhập khẩu thứ hai thế giới là Nhật Bản lớn đến mức Nhật Bản cần nhập khẩu quặng sắt tới 8 năm chỉ để bằng 1 năm nhập quặng của Trung Quốc.
Trung Quốc chiếm 66% tổng lượng nhập khẩu quặng sắt toàn cầu
Tại báo cáo này, chuyên gia của VDSC Research cho biết, quặng sắt và thép phế liệu là hai nguồn nguyên liệu thô chính của ngành công nghiệp thép. Bất kỳ sự biến động giá nào của hai nguyên liệu này đều ảnh hưởng mạnh tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thép.
Việc hiểu rõ các tác nhân yếu tố chính trong việc xác định giá quặng sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về thị trường quặng, từ đó đưa ra được những dự báo cho xu hướng của ngành thép.
Thị phần của những nhà cung cấp và tiêu thụ quặng sắt là tương đối cô đặc khi Trung Quốc chiếm tới 2/3 lượng nhập khẩu quặng toàn cầu và ở phía bên cung thì chỉ có hai nước xuất khẩu quặng đã chiếm 70% lượng quặng xuất toàn thế giới, đó là Úc (50%) và Brazil (21%). Và hệ quả tất yếu là bất kỳ tin tức nào liên quan tới ngành công nghiệp thép xuất phát từ những quốc gia này đều ảnh hưởng mạnh mẽ tới giá quặng sắt thế giới.
Mặc dù Trung Quốc là nước dẫn đầu về khai thác quặng sắt nhưng ngành công nghiệp thép khổng lồ của nước này không những tiêu thụ hết lượng quặng khai thác mà còn nhập quặng nhiều tới mức Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu quặng lớn nhất thế giới, chiếm 66% tổng lượng nhập khẩu quặng sắt toàn cầu.
Theo worldsexports.com, Trung Quốc đã chi 76,2 tỷ USD trong năm 2017 cho việc nhập khẩu quặng, cung cấp cho năng lực sản xuất thép khổng lồ tại đây, với công suất thiết kế có thể lên tới 1 tỷ tấn hàng năm. Khoảng cách mà Trung Quốc tạo ra với vị trí nhập khẩu thứ hai thế giới là Nhật Bản lớn đến mức Nhật bản cần nhập khẩu quặng sắt tới 8 năm chỉ để bằng 1 năm nhập quặng của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng là nơi tọa lạc của các nhà máy thép lớn nhất khi mà 5 trong số 10 nhà máy thép lớn nhất thế giới có địa chỉ ở đây. Năm nhà máy này có tổng công suất thiết kế lên tới hơn 200 triệu tấn thép và để có công suất này thì cần khoảng 340 triệu tấn quặng sắt phục vụ cho công cuộc sản xuất.
Giá quặng sắt toàn cầu bị chi phối lớn
Theo VDSC, Trung Quốc giữ một vai trò tối quan trọng trong ngành công nghiệp thép thế giới. Bất kỳ tín hiệu nào từ nền kinh tế số 2 thế giới này đều có tác động dẫn dắt tới nền công nghiệp thép.
Nỗi lo về một Trung Quốc giảm tốc vì căng thẳng thương mại cộng thêm những yếu tố trực tiếp khác đã tác động tiêu cực tới giá quặng sắt năm 2018. Tuy nhiên, sau đó thì thông báo của chính phủ Trung Quốc về các biện pháp kích cầu kinh tế cũng như thông tin về một đại dự án cơ sỡ hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc đã kéo giá quặng sắt tăng trở lại vùng 70 USD vào đầu 2019.
Các mệnh lệnh hành chính về bảo vệ môi trường của chính phủ Trung Quốc cũng khuyến khích các nhà máy sản xuất thép ưu tiên sử dụng quặng sắt chất lượng cao (từ 62 độ trở lên) và điều này gây nên khoảng cách giá lớn với quặng sắt chất lượng thấp (từ 58 độ trở xuống).
Tuy nhiên, hiện nay các nhà máy thép Trung Quốc đang chuyển dần sang quặng sắt chất lượng thấp vì mục tiêu của họ bây giờ là kiểm soát chi phí chứ không phải ưu tiên năng suất.
Tóm lại, theo đánh giá của VDSC, thị trường quặng sắt là một thị trường có tính cô đặc rất cao cho cả bên cung và cầu. Hệ quả tất yếu là bất kỳ tác động nào từ các quốc gia/công ty chủ chốt trong ngành công nghiệp này đều ảnh hưởng ngày lập tức tới giá quặng sắt toàn cầu.
Một mối quan ngại nữa mà các nhà buôn quặng sắt cần phải tính tới đó chính là thép phế liệu – nguồn nguyên liệu thay thế cho quặng sắt. Với chu kỳ thay thế 40 năm đang diễn ra ở Trung Quốc thì điều này có nghĩa một lượng lớn sắt thép phế liệu sẽ được thải ra trong thời gian tới, cạnh tranh gay gắt với quặng sắt.
Nhà đầu tư của các nhà máy thép được khuyến nghị cần quan sát kỹ các động thái của các công ty khai thác quặng lớn cũng như đặc biệt chú ý tới các xu hướng chính sách của Trung Quốc để có thể dự báo được đường đi của giá quặng sắt chính xác hơn.
Mai Chi