Trung Quốc đang “rời bỏ” Châu Á, chuyển trọng tâm đầu tư sang thị trường Châu Phi?

(Dân trí) - Hãng tin Bloomberg dẫn những con số từ Viện Theo dõi Đầu tư Toàn cầu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ trong năm qua, ghi nhận có 13 giao dịch đầu tư lớn của Trung Quốc tại Châu Phi và chỉ có 9 giao dịch ở Nam Á. Đây được cho là sự thay đổi đáng chú ý về trọng tâm đầu tư của Trung Quốc.

Trong thương chiến Mỹ - Trung, các công ty Trung Quốc và nhà sản xuất hoạt động đầu tư tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam dường như là một sự lựa chọn chung. Nhưng nếu một bên thua cuộc, các quốc gia Nam Á có thể sẽ thêm nhiều cơ hội.

Chi phí gia tăng là nguyên nhân các nhà sản xuất Trung Quốc quyết định đầu tư vào công nghệ tự động tiết kiệm nhân công hoặc là di dời đi.

Trung Quốc đang “rời bỏ” Châu Á, chuyển trọng tâm đầu tư sang thị trường Châu Phi? - 1

Một nhà máy của Trung Quốc ở Ethiopia. (ảnh: AFP/ Getty Images)

Theo Bloomberg, có những bằng chứng cho thấy rằng các nước Châu Á đang tụt lại phía sau so với Châu Phi và các nơi khác trong cuộc đua thu hút đầu tư sản xuất. Các nước ở Châu Phi đã biến ngành sản xuất trở thành ưu tiên hàng đầu của họ. Chỉ riêng Ethiopia đã mở gần 10 khu công nghiệp trong những năm gần đây và thành lập một cơ quan chính phủ mang tầm cỡ thế giới để thu hút đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới đã ca ngợi khu vực Châu Phi hạ Sahara là khu vực có số lượng cải cách cao nhất mỗi năm kể từ năm 2012. Ngược lại, về đầu tư trực tiếp nước ngoài tính theo phần trăm GDP, Nam Á thua cả mức trung bình toàn cầu của các nước kém phát triển nhất và châu Phi cận Sahara.

Trong khi tổng GDP của Nam Á lớn hơn châu Phi hơn 70%, nhưng lục địa đen này đã nhận được khoản đầu tư gấp 3,5 lần đến từ Trung Quốc vào năm 2012.

Trong năm năm qua, Viện Theo dõi Đầu tư Toàn cầu của Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ đã ghi nhận có 13 giao dịch đầu tư lớn của Trung Quốc tại Châu Phi và chỉ có 9 giao dịch ở Nam Á. Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh ở Châu Phi hấp dẫn hơn Châu Á nên được các nhà sản xuất Trung Quốc lựa chọn.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất để thu hút đầu tư sản xuất chính là Chính phủ các nước trong khu vực Châu Á phải thừa nhận có những quốc gia cạnh tranh đang vượt qua họ. Ví dụ, Ấn Độ phải từ bỏ sự tự tin thái quá rằng các nhà đầu tư sẽ đến đơn giản vì họ có dân số đông. Pakistan cần ngừng dựa vào tình hữu nghị giữa họ và chính phủ Trung Quốc.

Trên thực tế, việc tài trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại Pakistan của Trung Quốc sẽ không tự động dẫn đến việc đầu tư sản xuất. Phần lớn các công ty Trung Quốc đặt tại Pakistan là các công ty tư nhân, họ đầu tư vì chính lợi ích của họ, không phải do những chỉ thị của chính phủ Trung Quốc.

Các quốc gia Nam Á cần thực hiện một nỗ lực phối hợp, đó là sự thúc đẩy của toàn Chính phủ để tăng mức đầu tư. Cụ thể, họ phải tạo điều kiện cho các nhà sản xuất cần phát triển mạnh, các quốc gia này cần hiểu chi tiết cụ thể về các doanh nghiệp, các nhà máy có yêu cầu riêng biệt tùy thuộc vào những gì họ sản xuất…

Tin tốt là tất cả các biện pháp này đều khả thi. Và trong nhiều trường hợp, những bước đầu tiên đã được thực hiện, chẳng hạn như với việc xây dựng cảng biển sâu đầu tiên của Bangladesh tại Matarbari. Tin xấu là nếu Châu Á không thực hiện nhanh hơn, những nước khác có thể sẽ nắm bắt cơ hội trước họ để thực hiện công cuộc công nghiệp hóa.

Thùy Dung

Theo Bloomberg