1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc chạy đua chế tạo người máy, sản xuất thông minh

Nhật Linh

(Dân trí) - Trung Quốc vừa công bố kế hoạch 5 năm cho sản xuất thông minh, chế tạo người máy nhằm tăng cường khả năng về công nghệ và cạnh trạnh trong một cuộc đua khốc liệt mới trên toàn cầu.

Theo Global Times, động thái này đưa ra trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật Bản đang đẩy mạnh sản xuất thông minh.

Trung Quốc chạy đua chế tạo người máy, sản xuất thông minh - 1

Trung Quốc phấn đấu đến năm 2025, hơn 70% doanh nghiệp quy mô lớn của nước này sẽ được số hóa (Ảnh: VCG).

70% cơ sở sản xuất lớn sẽ số hóa vào năm 2025

Theo kế hoạch do Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT) và 7 cơ quan khác soạn thảo, đến năm 2025, hơn 70% doanh nghiệp quy mô lớn của Trung Quốc sẽ được số hóa và hơn 500 cơ sở sản xuất tập trung của nước này sẽ được xây dựng trên toàn quốc.

Kế hoạch cũng cho biết, trình độ kỹ thuật và khả năng cạnh tranh thị trường của các thiết bị sản xuất thông minh và phần mềm công nghiệp cần phải được cải thiện đáng kể, với mục tiêu đạt tỷ lệ hài lòng lần lượt đạt 70% và 50%.

Hiện tại, theo Global Times, tỷ lệ hài lòng của thị trường về các thiết bị sản xuất thông minh là hơn 50%.

Kế hoạch cũng cam kết tăng cường nghiên cứu các công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo, mạng 5G, dữ liệu lớn (big data) và điện toán biên (edge computing).

"Mức độ phát triển của lĩnh vực sản xuất thông minh có liên quan đến vị thế toàn cầu của ngành sản xuất Trung Quốc trong tương lai", tuyên bố của MIIT nhấn mạnh.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia như Mỹ, Đức đã nỗ lực để giành lợi thế trong một cuộc đua cạnh tranh toàn cầu mới với sản xuất thông minh. Năm 2018, Nhà Trắng đã ban hành Chiến lược dẫn đầu của Mỹ trong sản xuất tiên tiến nhằm đảm bảo vị thế hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực.

Năm 2019, Đức cũng đã thông qua "Chiến lược công nghiệp quốc gia 2030", với trụ cột đầu tiên là "cải thiện các điều kiện khung" cho Đức với tư cách là một điểm công nghiệp.

Ông Zhang Xiaorong, Giám đốc Viện nghiên cứu Công nghệ Tiên tiến có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng so với các quốc gia hàng đầu về sản xuất thông minh như Mỹ, Đức và Nhật, Trung Quốc vẫn cần nỗ lực để bắt kịp về phần mềm và cơ sở hạ tầng công nghiệp.

"Phần mềm, hệ điều hành và thiết bị sử dụng ở Trung Quốc vẫn chủ yếu là của các thương hiệu nước ngoài. Trung Quốc vẫn đang tụt hậu về các linh kiện lõi như chip", ông Zhang nói.

Chế tạo người máy

Cùng với kế hoạch sản xuất thông minh, Trung Quốc cũng công bố kế hoạch 5 năm để phát triển ngành công nghiệp chế tạo người máy (robot).

Theo kế hoạch, ngành công nghiệp robot của Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm đổi mới, sản xuất và ứng dụng công nghệ toàn cầu. Trung Quốc sẽ thành lập 3-5 khu công nghiệp robot và tăng gấp đôi cường độ sản xuất robot. Tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành này sẽ vượt quá 20%.

Ngành công nghiệp robot của Trung Quốc đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng 8 năm liên tiếp trở thành nước tiêu thụ các loại robot công nghiệp lớn nhất thế giới. Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã có 52 ngành ứng dụng robot vào sản xuất công nghiệp, bao gồm ô tô, điện tử, luyện kim, công nghiệp nhẹ, hóa dầu và y học.

Dù lĩnh vực chế tạo robot của Trung Quốc đã hình thành một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh, song ông Wang Weiming, một quan chức của Bộ MIIT, cho rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng và nền tảng công nghệ yếu kém, chất lượng, sự ổn định và độ tin cậy của các thành phần chính chưa đáp ứng được nhu cầu của các loại máy móc có hiệu suất cao.

Trung Quốc cũng công bố kế hoạch 5 năm cho phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, cho ngành thông tin (bao gồm cả bảo mật thông tin) và điện toán đám mây và ngành thiết bị y tế. Theo đó, đến năm 2025, giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế kỹ thuật số sẽ chiếm 10% GDP của Trung Quốc, tăng từ 7,8% trong năm 2020.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm