Trung Quốc bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm vì tín dụng đen

(Dân trí) - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Rating đã chính thức tuyên bố hạ bậc xếp hạng tín nhiệm nợ dài hạn nội tệ của Trung Quốc xuống một bậc. Động thái này cho thấy rõ sự lo ngại đối với tình hình nợ xấu và “tín dụng đen” tại nước này.

Theo đó xếp hạng tín nhiệm dài hạn đối với các khoản nợ bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã bị hạ từ bậc AA- xuống A+, với triển vọng được duy trì ở mức ổn định. Tạp chí phố Wall cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị hạ bậc tín nhiệm ít từ năm 1997. 
 
Ngành tài chính Trung Quốc đối mặt nhiều rủi ro từ tín dụng đen
Ngành tài chính Trung Quốc đối mặt nhiều rủi ro từ tín dụng đen

Trong thông báo của mình Fitch khẳng định quyết định trên được đưa ra trên cơ sở rủi ro tài chính từ sự tăng trưởng tín dụng “nóng” cùng với sự mở rộng của hoạt động “tín dụng đen”. 

Theo Fitch, kể từ sau gói kích thích kinh tế năm 2008 - 2009 của Bắc Kinh để ngăn chặn những ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đã lên mức rất cao. Dư nợ của các ngân hàng cho vay đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân đã tương đương với 135,7% GDP tại thời điểm cuối năm 2012, mức cao thứ ba trong số các thị trường mới nổi được tổ chức này xếp hạng.

Cùng lúc đó, tổng dư nợ tín dụng trong nền kinh tế, bao gồm các dạng khác nhau của “tín dụng đen”, có thể đã chạm mức 198% GDP của cuối năm 2012, tăng mạnh so với mức 125% GDP thời điểm cuối năm 2008. 

Trong khi đó tỷ trọng dư nợ từ ngân hàng đang giảm xuống. Fitch ước tính chỉ khoảng 55% các khoản tài trợ xã hội mới trong vòng 12 tháng tính đến cuối tháng 2/2013 từ ngân hàng, bao gồm tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay tín thác, giảm so với mức 76% của năm 2009. 

“Sự mở rộng của các hình thức tín dụng khác ngoài tín dụng ngân hàng chính là một nguồn rủi ro ngày càng lớn đối với nguy cơ bất ổn tài chính”, Fitch khẳng định.

Các cơ quan chức năng Trung Quốc đang ngày càng lo lắng hơn về những rủi ro tiềm tàng của các hoạt động ngoại bảng của ngành ngân hàng, mà một trong những nhân tố thúc đẩy chính là sự ra đời của các sản phẩm quản lý quỹ. Đây là một dạng đầu tư lãi suất cao được chào bán tới từng người dân. Số tiền huy động được sẽ bị đem cho vay hoặc đổ vào chứng khoán, trái phiếu.

Fitch từng ước tính rằng tổng số dư các sản phẩm quản lý tài sản tại Trung Quốc đã đạt khoảng 13.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2100 tỷ USD) vào cuối năm 2012, tương đương 14,5% tiền gửi của hệ thống ngân hàng, tăng mạnh so với mức 8500 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2011.

Mới đây các ngân hàng nước này đã được lệnh phải tăng cường kiểm tra đối với các tài sản bảo đảm của một loạt các sản phẩm quản lý quỹ nhằm ngăn ngừa rủi ro trong hệ thống. Trong đó các ngân hàng bị buộc phải báo cáo việc số tiền huy động qua từ kênh này được đầu tư ra sao và cũng giới hạn việc đầu tư vào các loại tài sản không được giao dịch rộng rãi.

“Chắc chắn rằng rủi ro tài chính có tính hệ thống tại Trung Quốc đã không ngừng tăng lên trong 2 năm qua”, Wei Yao, nhà phân tích thị trường Trung Quốc của ngân hàng Pháp Societe Generale tại Hong Kong nhận định. “Vấn nạn tín dụng đen có thể là ngòi nổ cho một đợt “hạ cánh cứng” hoặc khiến tình hình tồi tệ hơn nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc. Đó là một trong những điểm yếu nhất trong nền kinh tế”.

Đây không phải chuyên gia duy nhất cảnh báo về nguy cơ bất ổn xuất phát từ hoạt động tín dụng đen đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc. Tại một diễn đàn kinh tế đang diễn ra ở nước này, hôm thứ Hai vừa qua, tỷ phú tài chính George Soros cũng đã lên tiếng. 

“Mọi người có thể nhìn thấy được sự bắt đầu của một đợt “hạ cánh cứng” hồi năm ngoái khi chính quyền ra lệnh các ngân hàng hạn chế cho vay”, ông Soros nói. Đây chính là động thái khiến nhiều người vay tiền phải quay sang các nguồn tín dụng ngoài ngân hàng với lãi suất cao. 

“Một số người đi vay, nhất là ngành kinh doanh nhà ở, sẵn sàng trả lãi suất cao hơn ngay cả khi lợi nhuận của họ bị đe dọa. Việc này đã gia tăng rủi ro các khoản nợ có thể bị quá hạn. Hầu hết các khoản vay đó đến từ các quỹ quản lý tài sản và các công ty con của ngân hàng thương mại. Các sản phẩm quản lý quỹ không được đảm bảo về mặt pháp lý bởi công ty mẹ nhưng đến nay các công ty mẹ luôn chi tiền trong một vài trường hợp khi xảy ra thiếu hụt”, vị tỷ phú ngành tài chính cảnh báo.

Ngoài gánh nặng tài chính đối với hệ thống ngân hàng, Bắc Kinh còn đang “mắc kẹt” với khoản nợ ngày càng tăng của chính quyền các địa phương. Theo ước tính của Fitch, mức nợ của các chính quyền địa phương đã tăng lên mức 12.850 tỷ nhân dân tệ, tương đương 25,1% GDP năm 2012. Con số này góp phần “đẩy” nợ công của Trung Quốc lên mức 49,2% GDP.

Thanh Tùng
Theo Reuters, WSJ