1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Triều Tiên: Sản lượng nông nghiệp tăng 30% nhờ cải cách

(Dân trí) - Chính cải cách tương đối mạnh mẽ trong ngành nông nghiệp dường như đang đem lại hiệu quả khả quan tại Triều Tiên khi sản lượng lương thực được nhận định tăng tới 30%.

Sau nhiều thập niên bàng quan trước những biến đổi của thế giới, chính quyền Triều Tiên cuối cùng cũng đã thực thi những đổi mới kinh tế thực sự, dù còn khiêm tốn. Chính sách mới, vốn rất tương đồng với những thực nghiệm từng được Trung Quốc triển khai cuối những năm 1970, đã được nhà lãnh đạo Kim Jong-un công bố hôm 28/6/2012.

Binh sỹ Triều Tiên tham gia sản xuất nông nghiệp gần Kaesong

Những chỉ thị này đến nay vẫn chưa được xuất bản, và có lẽ về mặt kỹ thuật vẫn là tài liệu mật. Nhưng dù vậy, nội dung của “chỉ thị 6.28”, như người Triều Tiên thường gọi, đã được nhiều người biết đến từ năm ngoái.

Chỉ trong một thời gian ngắn, các chỉ thị đã thu hút rất nhiều sự chú ý và bàn luận của giới quan sát Triều Tiên. Và có lẽ cũng vì quá được chú ý mà đã có những giai đoạn chỉ thị này dường như bị bãi bỏ, hoặc lãng quên. Thế nhưng, thực chất “chỉ thị 6.28” lại được triển khai một cách âm thầm.

Cải cách 6.28

Về cơ bản, “chỉ thị 6.28” bao gồm 2 thay đổi lớn. Một là, quy mô của tổ đội sản xuất tại các trang trại hợp tác xã của Triều Tiên đã được giảm từ 15 người xuống những nhóm nhỏ hơn từ 5-6 người. Điều này có nghĩa là, quy mô các tổ đội sản xuất mới giờ tương đương với số thành viên trong mỗi hộ gia đình.

Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Triều Tiên còn lạc hậu
Hoạt động sản xuất nông nghiệp của Triều Tiên còn lạc hậu

Do đó, có thể hiểu rằng, giờ đây mỗi gia đình nông dân Triều Tiên có thể khai báo là một tổ đội sản xuất. Điều này là vô cùng có ý nghĩ khi xét tới thay đổi lớn thứ hai.

Kể từ cuối những năm 1950 đến nay, nông dân Triều Tiên buộc phải giao nộp toàn bộ sản lượng cho chính quyền. Đổi lại, họ được nhận tem phiếu lương thực và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác. Điều đó có nghĩa là dù làm việc ra sao họ vẫn chỉ nhận được lượng tem phiếu nhất định cùng một lượng nhỏ tiền.

Nhưng với hệ thống mới, mọi thứ sẽ khác trước rất nhiều. Các đội sản xuất sẽ được phép giữ lại 30% sản lượng mình làm ra. Có thể hiểu là họ có quyền bán những gì mình không dùng đến trên thị trường tự do, và/hoặc theo những cách khác mà họ thấy phù hợp, ví dụ như các vật nuôi để bán hoặc tiêu thụ.

Sản lượng gia tăng 30%

Những tín hiệu đầu tiên cho thấy kết quả của những cải cách là rất khả quan. Các chuyên gia Trung Quốc tới tham quan Triều Tiên mới đây cho biết cải cách đã khiến sản lượng lương thực lập tức tăng 30%. Vụ thu hoạch năm nay tại Triều Tiên đạt kết quả cao hơn thường lệ đáng kể, và có thể, chính nhờ những hệ thống mới này đã giúp sản lượng lương thực tăng mạnh.

Do đó, theo ông Andrei Nikolaevich Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên đang giảng dạy tại đại học Kookmin ở Seoul cho rằng, có lí do để hy vọng cải cách sẽ được mở rộng ra khắp Triều Tiên và trở thành chuẩn mực trong năm tới hoặc 2 năm nữa.

Ai đó có thể tự hỏi rằng vì sao lãnh đạo Triều Tiên lại chậm trễ trong việc thực thi những cải cách từng đem lại thành công lớn khi được áp dụng tại Trung Quốc. Bởi nếu ông Kim Jong Il, cha của nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện tại Kim Jong-un triển khai những cải cách này từ những năm 1990, hàng nghìn người dân nước này có thể đã không chết vì nạn đói.

Xét về mặt chính trị, chính quyền Triều Tiên khi đó hiểu rằng với việc duy trì hệ thống kinh tế hiện có, họ có thể đảm bảo sự kiểm soát của nhà nước đối với người dân. Và với một người chú trọng vào duy trì ổn định chính trị như ông Kim Jong Il, lựa chọn trên là không có gì khó hiểu.

Nhưng có lí do để tin rằng ông Kim Jong-un đang lựa chọn một hướng đi khác so với cha mình. Một cách khách quan, cải cách nông nghiệp là lĩnh vực ít rủi ro nhất trong tất cả những cải cách kinh tế. Nông dân có thể nổi dậy, nhưng nhìn chung, họ là những người bảo thủ nhất và thiếu tính tổ chức nhất, nếu không muốn nói là không quan tâm tới chính trị so với các nhóm xã hội khác.

Khó có thể hy vọng rằng ở một quốc gia mà đô thị chiếm ưu thế vượt trội như Triều Tiên, những cải cách đang diễn ra cũng sẽ thành công như tại Trung Quốc 30 năm trước. Dù vậy mọi thứ đang bắt đầu thay đổi và đó là điều đáng mừng.

Không loại trừ khả năng những thay đổi trong nông nghiệp, nếu thành công, có thể khuyến khích cải cách ở các lĩnh vực khác, trong đó có công nghiệp. Nhưng những cải cách này nếu được thực thi sẽ rủi ro hơn nhiều so với những gì đang được triển khai.

Thanh Tùng
Theo Nknews
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước