1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Triều Tiên cho phép doanh nghiệp thanh toán bằng tiền mặt

(Dân trí) - Sau nhiều năm thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt giữa các doanh nghiệp quốc doanh, Triều Tiên đang dần nới lỏng lệnh cấm khi có kế hoạch cho phép một số doanh nghiệp công nghiệp nhẹ được sử dụng tiền mặt trong thanh toán.

Thông tin trên vừa được tờ Korea Herald của Hàn Quốc đăng tải dẫn một nguồn tin từ Triều Tiên. Đây được xem như bước chuẩn bị của Bình Nhưỡng trước khi cho phép thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt giữa các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ. Biện pháp này được cho là nhằm nâng cao năng suất công nghiệp thông qua việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho các ngành không phải xương sống của nền kinh tế bất chấp nguy cơ giảm sự giám sát của Nhà nước.

Triều tiên đang chuẩn bị cho nhiều cải cách kinh tế (Ảnh: Internet)
Triều tiên đang chuẩn bị cho nhiều cải cách kinh tế (Ảnh: Internet)

Từ trước đến nay các doanh nghiệp quốc doanh của Triều Tiên khi muốn thanh toán với nhau đều phải thông qua tài khoản của mình mở tại ngân hàng trung ương dù đó là các giao dịch mua bán nguyên liệu thô, tiền điện, máy móc hay các phương tiện sản xuất khác.

Các giao dịch không dùng tiền mặt giúp chính quyền dễ dàng theo dõi dòng tiền và hoạt động kinh doanh của các công ty. Tuy nhiên các loại tiền trong giao dịch giữa các công ty này không thể được rút ra để trả lương công nhân hay mua bán bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Trong đợt cải cách kinh tế tháng 7/2002, Bình Nhưỡng đã triển khai thanh toán tiền mặt một phần giữa các công ty trên thị trường nguyên liệu sản xuất có sự giám sát của nhà nước. Tuy nhiên biện pháp mới này sẽ nhắm tới thanh toán toàn bộ bằng tiền mặt, nguồn tin của tờ Korea Herald cho biết.

Mặc dù chính quyền chưa có thông báo chính thức nào về sự chuyển đổi này nhưng nội dung này đã xuất hiện trong “Các biện pháp quản lý kinh tế mới ngày 28/6”. Đây được xem như một trong những bước cải cách đáng chú ý của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un nhằm giúp Triều Tiên vượt qua đói nghèo.

“Đây là nỗ lực của họ nhằm làm hồi sinh một nền kinh tế ốm yếu. Nó có thể được xem như một cuộc cải cách kinh tế ở giai đoạn phôi thai. Bình Nhưỡng đang dần từ bỏ nền kinh tế bao cấp, kế hoạch hóa”, Kim Young-hui, một chuyên gia kinh tế Triều Tiên tại công ty Korea Finance Corporation trực thuộc chính phủ Hàn Quốc nói. Ông Kim từng sống tại Triều Tiên trước khi chạy trốn sang Hàn Quốc.

“Những thay đổi này có nghĩa là hệ thống đã tồn tại bấy lâu trong đó chính quyền cung cấp mọi phương tiện sản xuất cho từng nhà máy sẽ bị bãi bỏ. Ông Kim Jong-un không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy mạnh nỗ lực hồi sinh nền kinh tế”.

Nhiều khả năng Triều Tiên sẽ áp dụng hệ thống thanh toán bằng tiền mặt tới hầu hết các doanh nghiệp cấp tỉnh sản xuất hàng tiêu dùng, trong khi duy trì phương thức thanh toán cũ với các doanh nghiệp quốc phòng, công nghiệp nặng và các công ty hóa chất nhằm giữ vai trò kiểm soát đối với các ngành chiến lược.

Chính quyền sẽ cấp cho mỗi doanh nghiệp một “khoản đầu tư ban đầu” để chi trả các chi phí sản xuất sau đó cho phép các doanh nghiệp tự quyết định mặt hàng, giá cả và phương thức bán hàng. Thời gian qua hoạt động tại nhiều công ty của Triều Tiên được cho là chỉ đạt 20 – 30% công suất do chính quyền không cung cấp đủ các phương tiện sản xuất.

“Dù ở mức công suất nào thì các công ty của Triều Tiên cũng đang chịu thiệt hại bởi hoạt động sản xuất gần như đình đốn. Thông qua việc trao quyền tự chủ lớn hơn cho doanh nghiệp, họ muốn thúc đẩy hoạt động sản xuất”, Kwon Young-kyong, giáo sư tại Viện giáo dục thống nhất của chính quyền Seoul nhận định. “Tuy nhiên chính phủ có rất ít tiền mặt (để cấp vốn ban đầu cho các doanh nghiệp). Chúng ta phải chờ xem biện pháp này được triển khai ra sao”.

Vào thứ Ba tuần tới, Triều Tiên sẽ tổ chức họp quốc hội bất thường và giới quan sát đang hy vọng Bình Nhưỡng sẽ công bố những đạo luật mới để cải cách kinh tế toàn diện. Các chuyên gia cho rằng rất khó dự báo các biện pháp đó là gì nhưng quyết tâm cải cách của nước này có thể được thấy rõ thông qua những gì báo giới và các tài liệu học thuật đề cập tại đây thời gian qua.

Hôm thứ Ba vừa qua, Rodong Sinmun, tờ nhật báo của đảng Lao động Triều Tiên đã đăng một loạt bài liên quan đến các vấn đề kinh tế lên trang nhất trong khi đó lại đẩy bài viết về nhà lãnh đạo Kim Jong-un sang trang 2. Đây là một sự sắp xếp rất ít khi xảy ra.

Hồi tháng trước, Bình Nhưỡng cũng giới thiệu một loạt bài viết của các nhà nghiên cứu về hàng loạt vấn đề từ sự kiểm soát của Nhà nước đối với lĩnh vực tài chính tới tầm quan trọng của lưu thông tiền tệ. Đây được xem như những tín hiệu về một cuộc cải cách tài chính sắp diễn ra.

Thanh Tùng
Theo Korea Herald