Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ:
Trao PNTR cho Việt Nam là lợi ích của kinh tế Mỹ
"Xuất phát điểm của sự ủng hộ thông qua PNTR cho Việt Nam nằm ở lợi ích mà nền kinh tế Mỹ sẽ thu được khi Việt Nam gia nhập WTO" - cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Armitage đã viết như vậy trên tờ Washington Times ngày 18/7.
Bình thường hóa chỉ là một phần nhỏ trong lý lẽ ủng hộ việc tán thành trao Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) cho Việt Nam. Việt Nam đã là một thị trường ngày càng lớn cho hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ, với mức tăng trưởng 24% chỉ riêng trong năm ngoái.
Một khi thỏa thuận thương mại song phương của chúng ta với Việt Nam được thực hiện, nó sẽ làm lợi hơn nữa cho các công ty Mỹ, bao gồm những doanh nghiệp trong các lĩnh vực dịch vụ chủ chốt như viễn thông, phân phối, tài chính và bảo hiểm. PNTR cũng sẽ tăng cường những cải cách bên trong đang diễn ra tại Việt Nam.
Quy chế thành viên WTO sẽ đòi hỏi việc tôn trọng triệt để quy định của luật pháp và minh bạch cao hơn liên quan đến những vấn đề thương mại.
Có lẽ điều quan trọng nhất chính là trao PNTR cho Việt Nam có lợi cho Mỹ và vị thế của Mỹ trong một khu vực chủ chốt. Đông Nam Á có số dân khoảng trên 600 triệu người và tổng sản phẩm quốc dân của toàn khu vực lên tới 800 tỉ USD. Chúng ta tin những con số này sẽ còn tăng nhanh.
Ngoài tầm quan trọng về kinh tế, Đông Nam Á nắm giữ tầm quan trọng chiến lược với vị trí án ngữ những tuyến đường biển từ vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, 30% giao lưu thương mại toàn cầu và hơn 50% hàng hóa năng lượng của thế giới được vận chuyển qua tuyến đường này.
Chúng ta cũng cần đến sự hợp tác đầy đủ của Đông Nam Á trong việc chống khủng bố, phổ biến vũ khí và các bệnh truyền nhiễm.
Tiềm năng của sự hợp tác Mỹ - Việt Nam thậm chí còn lớn hơn, và bỏ phiếu thông qua PNTR là điểm mấu chốt. Chúng ta đã tiếp tục nối lại các chuyến thăm của tàu hải quân Mỹ tới Việt Nam và có một số chương trình quân sự khiêm tốn.
Quan hệ hợp tác của chúng ta trong các tổ chức đa phương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) và APEC là mạnh mẽ và đang cải thiện. Và chương trình nghị sự của chúng ta về giải quyết các vấn đề xuyên quốc gia và toàn cầu đang mở rộng.
Trao PNTR cho Việt Nam sẽ là một lực đòn bẩy lớn cho quan hệ đối tác cao hơn nữa. Tổng thống G.Bush sẽ dành thêm thời gian ở Việt Nam sau cuộc gặp APEC 2006 tại Hà Nội. Việc trao PNTR cho Việt Nam thành công sẽ thúc đẩy thêm khả năng tăng cường quan hệ với Việt Nam của Tổng thống Bush.
Cũng giống như trong thời gian thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam, chủ trương thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn với Việt Nam tại Quốc hội đang được các cựu binh đi đầu ủng hộ.
Tại Thượng viện, các ông John Mc Cain, Chuck Hagel và John Kerry là những người đồng bảo trợ chính thức cho dự luật PNTR. Hạ nghị sĩ Jim Kolbe cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ ở Hạ viện.
Chúng ta ngưỡng mộ những đóng góp của họ cho đất nước và sự lãnh đạo của họ trong vấn đề này. Chúng ta hy vọng các nghị sĩ khác cũng sẽ ủng hộ dự luật này.
Theo Nguyên Hằng
Thanh niên/Washington Times