Sửa quy định về trần lãi suất:
Tránh tình trạng luật “bức tử” luật
Quy định về trần lãi suất tại Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận và được thông qua trong kỳ họp lần này. Hai phuơng án liên quan đến quy định này đã được Quốc hội đưa ra thảo luận nhằm xin ý kiến của các đại biểu.
Song theo đánh giá của giới chuyên gia, việc cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) áp dụng lãi suất thỏa thuận không chỉ tăng tính công khai, minh bạch trên thị trường tài chính mà còn góp phần giảm bớt sự lộng hành của hoạt động tín dụng “đen”. Quan trọng hơn, quy định này sẽ tránh được tình trạng luật “bức tử” luật nếu việc áp trần lãi suất được thông qua.
Luật bảo “được”, luật nói “không”
Được đưa ra thảo luận từ kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2015) nhưng quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản tại dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi (BLDS) dường như vẫn là một vấn đề “nan giải”. Hiện tại, Ủy ban thường vụ Quốc hội trình hai phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội về Khoản 3, Điều 475 của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi).
Theo đó, phương án 1 sẽ cho phép trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Với phương án 2, các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận nhưng không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Nhận xét về vấn đề này, đại biểu quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là không cần thiết và không hợp lý, bởi đây có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính.
“Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO cũng như các thỏa thuận tại Hiệp định TPP mà chúng ta chuẩn bị tham gia…”, ông Ngân góp ý.
Bày tỏ quan điểm của NHNN về vấn đề này, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, các lãi suất tham chiếu được đưa ra lấy ý kiến như lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn… chủ yếu là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, là những lãi suất không phổ biến với người dân, nên NHNN đề xuất ấn định mức lãi suất cứng là 20%/năm của khoản tiền vay trong dự thảo BLDS.
Tuy nhiên, nếu theo dự thảo thì lãi suất này được quy định cho Hợp đồng dân sự về cho vay tài sản, theo đó hướng đến việc vay mượn tài sản vật chất nhiều hơn là vay mượn tiền. Vì vậy, các mức lãi suất quy định ở đây là gắn với hợp đồng vay tài sản, không nên bao trùm cả hoạt động ngân hàng. Từ thực tế này, NHNN đề xuất nên điều chỉnh quy định theo hướng chỉ áp dụng mức trần lãi suất 20%/năm đối với các quan hệ dân sự ngoài ngân hàng, loại trừ áp dụng với các ngân hàng đã hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD).
Bởi trên thực tế, Luật các TCTD đã quy định các TCTD được phép thỏa thuận lãi suất theo quy định của pháp luật, còn dự thảo BLDS đang quy định trần lãi suất nhưng “trừ trường hợp các luật khác liên quan có quy định khác”. Như vậy, có thể hiểu rằng, Luật TCTD quy định là ngân hàng được thoả thuận lãi suất thì BLDS cũng cho phép.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, quy định liên quan đến lãi suất trong hợp đồng vay tài sản trở thành nội dung tranh luận gay gắt, bởi sự thiếu thống nhất trong cách hiểu giữa lãi suất trong hợp đồng vay tài sản theo BLDS và Hợp đồng tín dụng theo Luật Các TCTD 2010 đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch CLB Pháp chế ngân hàng phân tích, một trong những lý do quan trọng hàng đầu để tín dụng chính thức đóng vai trò thay thế “tín dụng đen” là lãi suất thỏa thuận, bởi nó chứa đựng đầy đủ yếu tố thị trường bên trong hai chữ "thỏa thuận".
Điều chỉnh lãi suất bằng chính luật chuyên ngành
Theo quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, một chuyên gia uy tín trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, thì việc áp trần lãi suất với các TCTD sẽ làm méo mó hoạt động tín dụng. Bởi theo ông, quy định lãi suất nên để luật chuyên ngành mà cụ thể là Luật các TCTD chi phối, thay vì quy định tại Luật Dân sự, vừa không trúng lại không phù hợp.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các TCTD là hoàn toàn không cần thiết và bất hợp lý. Nguyên nhân là do theo tinh thần của các quy định tại Luật NHNN và Luật các TCTD, hoạt động của các TCTD trong điều kiện bình thường sẽ thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ trong điều kiện có diễn biến bất thường, NHNN mới xác định cơ chế điều chỉnh phù hợp.
Thêm vào đó, NHNN với chức năng là cơ quan quản lý đối với các TCTD, thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất kinh doanh của các TCTD. Lãi suất của các TCTD phụ thuộc vào mục tiêu nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ của NHNN, có những thời điểm lãi suất của các TCTD được nâng lên rất cao để góp phần chống lạm phát. Nói cách khác, lãi suất trong hoạt động ngân hàng được điều chỉnh bởi các công cụ chính sách tiền tệ và có một cơ quan chuyên ngành là NHNN quản lý theo các quy định của Luật chuyên ngành là Luật NHNN Việt Nam và Luật các TCTD.
Theo các chuyên gia, dù Quốc hội biểu quyết cho phương án nào thì cũng vẫn phải có quy định rõ ràng để xác định các TCTD được hoạt động theo luật chuyên ngành. Bởi nếu quy định về trần lãi suất vay tại BLDS điều chỉnh đối với cả hoạt động của các TCTD thì điều này không chỉ “bức tử” Luật NHNN Việt Nam, Luật các TCTD mà còn đi ngược với chủ trương tự do hóa lãi suất của Đảng và Nhà nước ta.
PV