Tránh tiếng là 1/5 nước thải đồ nhựa ra biển lớn nhất, Việt Nam quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần

(Dân trí) - Việt Nam đã quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần...

Tránh tiếng  là 1/5 nước thải đồ nhựa ra biển lớn nhất, Việt Nam quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các vị khách quốc tế cùng đi bộ thể hiện quyết tâm chống rác thải nhựa trong lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa hôm 9/6.

Rác thải nhựa khắp nơi

Không nằm ở vị trí đắc địa, song quán cà phê “take away” nằm ở đường Trung Liệt khá đông khách. Với những cốc nhựa tiện dụng, khách hàng có thể lựa chọn ngồi uống tại quầy, hoặc mang đi để thưởng thức.

Trung bình một ngày, chủ quán cho biết có thể bán khoảng 300 cốc, điều này đồng nghĩa với hàng trăm chiếc cốc nhựa sử dụng một lần được thải ra ngoài môi trường sau đó.

Nắng nóng, các hàng nước mía, nước ép hoa quả tươi cũng tấp nập người ra, người vào. Hầu hết khách hàng dù mang đi hay uống luôn tại quán đều sử dụng cốc nhựa. Bởi theo họ, cốc dùng một lần với sẽ đảm bảo vệ sinh hơn dùng chung cốc thuỷ tinh.

Tránh tiếng  là 1/5 nước thải đồ nhựa ra biển lớn nhất, Việt Nam quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần - 2

Với những cốc nhựa tiện dụng, khách hàng có thể lựa chọn ngồi uống tại quầy, hoặc mang đi để thưởng thức. Ảnh: N.Khánh

Chính sự tiện lợi của túi nilong, đồ nhựa một lần đã khiến môi trường đang chịu những áp lực vô cùng lớn. Theo con số được đưa ra bởi Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.

Một con số đáng chú ý khác từ FAO được đưa ra tại hội thảo diễn ra ngày 5/6 mới đây: “Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm”.

Tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng mọi nơi. Ngay tại các siêu thị, chúng ta không lạ lẫm gì với những hình ảnh những chiếc chai nhựa, cốc nhựa, bát nhựa, ống hút… được sử dụng một lần một cách tràn lan.

Tránh tiếng  là 1/5 nước thải đồ nhựa ra biển lớn nhất, Việt Nam quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần - 3

Đồ nhựa dùng một lần được sử dụng tràn lan ở siêu thị. Ảnh: N.Khánh

Thậm chí, nhiều gia đình tổ chức tiệc sinh nhật, liên hoan… tại nhà cũng sử dụng đồ nhựa một lần để… vứt đi cho tiện. Cùng với đó, sự phát triển đồ ăn nhanh, hình thức bán hàng giao tận nơi ngày càng phổ biến. Kèm theo đó là sự gia tăng rác thải nhựa theo cấp số nhân.

Tránh tiếng  là 1/5 nước thải đồ nhựa ra biển lớn nhất, Việt Nam quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần - 4

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm. Ảnh: N.Khánh

Khi thoả mãn vì sự tiện lợi, ít người nhớ ra rằng, một cái túi nilong, một ống hút nhựa, một cái cốc nhựa chỉ sản xuất trong vài giây, sử dụng trong vài phút, quẳng đi chẳng chút vướng bận nhưng thời gian nó tồn tại trong môi trường đến hàng trăm năm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo, việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần hiện nay thực sự là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định Việt Nam quyết tâm chống rác thải nhựa và đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ để phấn đấu đến năm 2025 không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã nhắc tới mục tiêu phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Đâu là giải pháp?

Trao đổi với Dân trí, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết con số sử dụng túi nilong, đồ nhựa dùng 1 lần ở siêu thị là vô cùng lớn.

Theo ông Phú, thời gian qua đã có những siêu thị bắt tay vào thực hiện chiến lược giảm thải rác thải nhựa. Chẳng hạn như đóng gói các sản phẩm rau củ bằng lá chuối thay thế cho túi nilong; ra mắt dòng túi môi trường mới dễ phân huỷ… Tuy nhiên con số này rất ít. Đa phần, vẫn chủ yếu là túi nilong, đồ nhựa dùng một lần…

Điều đáng lưu ý theo vị này, lượng rác thải nhựa từ siêu thị đã lớn, nhưng phát sinh từ chợ còn lớn hơn gấp nhiều lần. Do vậy, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền các siêu thị thì cần đẩy mạnh việc này ở các khu chợ.

“Tôi đứng quan sát, một bà đi chợ có tới hàng chục túi nilong. Chưa kể vài hộp đồ nhựa đựng đồ ăn sẵn”, ông Phú nói.

Tránh tiếng  là 1/5 nước thải đồ nhựa ra biển lớn nhất, Việt Nam quyết cấm đồ nhựa dùng 1 lần - 5
Một người đi chợ, đi siêu thị có thể xách cả chục túi nilon, hộp nhựa khi về. Ảnh: N. Khánh.

Nhấn mạnh việc giảm rác thải nhựa là cần thiết song theo ông Phú, cần đưa ra những giải pháp thiết thực chứ không chỉ “tuyên truyền, vận động”.

Thứ nhất theo ông Phú, muốn các siêu thị giảm thải đồ nhựa, túi nilong thì phải giải được bài toán về kinh tế. “Việc tìm kiếm nguyên liệu thay thế khá khó khăn, chưa kể giá túi nilong tự phân huỷ lại đắt hơn, sử dụng hộp nhựa giá rẻ hơn nhiều so với các vật phẩm bằng thuỷ tinh. Do vậy cần có biện pháp giảm mạnh thuế đối với các nguyên liệu để thay thế nhằm làm giảm giá thành. Cứ rẻ là người ta sẽ hướng tới sử dụng nhiều hơn”, ông Phú nói.

Bên cạnh đó ông Phú cho rằng cần có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng làn thay vì túi nilon đi chợ, đi siêu thị. Với những thực phẩm không thể cho vào làn như tôm, cua, cá, đậu, thịt thì mang theo hộp đựng. Mua đồ uống có thể mang theo bình, cốc…

“Hà Nội đang đau đầu vì xử lý bãi rác Nam Sơn. Tại sao không cân đối lại việc sử dụng tiền đi xử lý rác để thưởng, để khuyến khích người dân trong việc giảm thiếu rác thải nhựa?”, ông Phú đặt vấn đề.

Vị chuyên gia này tin tường rằng, nếu có chế tài thưởng phạt rõ ràng, cùng với đó giải quyết được bài toán kinh tế cho doanh nghiệp trong việc sản xuất các vật liệu thay thế nilong, nhựa… thì chỉ độ vài năm việc dùng đồ nhựa sẽ vãn đi đáng kể.

Trò chuyện với với Dân trí cũng về chủ đề này, một vị giáo sư lâu năm trong lĩnh vựa môi trường nhắc tới những chiếc ông hút cỏ sậy ở Quảng Nam. Mặc dù có giá 700-800 đồng một ống, cao hơn nhiều lần so với ống hút nhựa nhưng chúng lại được nhiều cửa hàng tại Hội An lựa chọn.

Từ câu chuyện này, vị giáo sự cho rằng, việc “cấm” đồ nhựa dùng một lần nhằm giảm tải gánh nặng rác thải nhựa chỉ có thể thực hiện được khi có nguồn nguyên liệu phong phú, tiện lợi thay thế.

“Ai cũng thấy, cái ống hút bằng sậy ở Quảng Nam rất tốt, nhưng số lượng lại không nhiều. Chưa kể giá thành đắt nên cũng hạn chế”, vị này bình luận.

Thực tế, rất nhiều thử thách khi tính đến việc cấm đồ nhựa dùng một lần. Nó là cả bài toán về kinh tế lẫn nhận thức, thói quen của mỗi người.

Ngoài ra, việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng như cách thức quản lý, phân loại, xử lý rác thải nhựa cũng là vấn đề rất lớn, nó đòi hỏi các giải pháp mang tính hệ thống khi xử lý.

Nguyễn Mạnh