Tránh hàng “vô danh”, gặp hàng nhái!

Hiện nay, thị trường giày dép tại Hà Nội có rất nhiều sản phẩm thời trang với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã nhưng lại không đảm bảo về chất lượng. Nhiều người tiêu dùng (NTD) sau khi mua đã rất bức xúc với chất lượng sản phẩm.

Hàng kém chất lượng tấn công NTD
 
Hàng kém chất lượng "tấn công" NTD

Bất kỳ ai có nhu cầu đều có thể dễ dàng tìm mua giày, dép không có nhãn mác hoặc chỉ có dòng chữ “made in China” có giá chỉ vài chục nghìn đến 200.000đ/đôi được bán tràn lan trên vỉa hè, shop bình dân và tại các khu chợ... Những mặt hàng này chủ yếu hướng tới những người có thu nhập thấp và trung bình hoặc học sinh, sinh viên... với tâm lý thích đồ rẻ. Một số người còn quan niệm giày dép cũng như đồ trang sức, chỉ cần đẹp. Điều này khiến NTD đang tiếp tay cho hàng kém chất lượng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Hàng xách tay Nhật đội giá, Vietnam Airlines tăng giá

Hầu hết những sản phẩm giày dép này đều là hàng gia công, không nhãn mác, thương hiệu. Khi đi thử, khách hàng sẽ thấy rất cứng do không có đệm lót, đế không chắc chắn và không có khả năng chịu sức nặng của cơ thể... Một số sản phẩm do được thiết kế không hợp lý dẫn tới tình trạng bí chân, không thoát mồ hôi gây hôi chân. Thậm chí có những sản phẩm cùng một đôi nhưng kích cỡ khác nhau khiến người sử dụng rất khó chịu.

Nguyễn Thu Phương – sinh viên khoa Du lịch Viện Đại học mở Hà Nội - cho biết: “Tôi thấy mẫu mã giày tại hội chợ rất đẹp, giá rẻ, tôi quyết định mua hai đôi với giá 90.000đ/đôi. Sau một thời gian đi, ngày nào cũng thay tất mà vẫn có mùi. Tôi quyết định vệ sinh giày thì phát hiện ngoài lớp lót là đế, không có mút xốp, vì vậy khi đi mưa nước thấm ngược, ứ đọng gây thối chân”.

Hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam
 
Trước nhiều thông tin về giày dép Trung Quốc chứa chất độc hại khiến NTD e ngại, họ có xu hướng chuyển sang mua hàng do Việt Nam sản xuất vì chất lượng đảm bảo và giá thành hợp lý. Nắm bắt tâm lý này, nhiều cửa hàng giày dép cũng đã nhanh nhạy nhập những mặt hàng gắn mác “Made in Vietnam”.

Còn chị Hà My (Cầu giấy, Hà Nội) lại nhận định: “Giày sản xuất tại Việt Nam thật thì ít, mà giày Trung Quốc giả hiện nay thì nhiều. Tôi cũng từng nhờ bạn bè ở Trung Quốc mua hộ một đôi giày Converse có giá khoảng 200.000đ ở bên đó mang về. Đến lúc nhận giày thấy mác made in Vietnam, tôi cũng ngạc nhiên. Với giá rẻ như thế, có tin được là hàng Việt Nam xuất khẩu? Còn chưa kể giá một đôi Converse chính hãng ở Việt Nam có giá ít nhất 1.000.000 đồng”.

Theo Nguyễn Trung Thành – một đầu mối chuyển hàng từ Trung Quốc cho giới bán buôn Việt Nam: “Gần đây, hàng Việt Nam đang chiếm được cảm tình của NTD, ngay đến cả giày dép cũng không ngoại lệ. Do đó, những mặt hàng sản xuất tại các xưởng thủ công Trung Quốc nhưng lại gắn mác Made in Vietnam đang cực kỳ “hot”. Khách hàng không phải ai cũng sành nên hàng dễ bán và lãi cao”.

Để phân biệt giày dép chính hãng và hàng giả, NTD nên quan sát tên sản phẩm. Thường hàng nhái từ nhãn hiệu sản phẩm như: Convest, Coonverse (nhái hàng Converse), Bitiss, Bities (nhái của Biti’s)... Hoặc logo in sai màu, sai vị trí so với hàng thật. Với hàng nhái loại này, các chi tiết trên giày dép cũng không sắc nét, chính xác... Những hàng nhái tinh vi hơn, NTD phải chú ý vào nhãn mác sẽ thấy thông tin bị thiếu, không chính xác, sai lỗi chính tả...
 
Theo Thùy Linh
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước