1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tràn lan hương nhang tẩm hóa chất độc hại

(Dân trí) - Dạo qua thị trường nhang hiện nay có thể thấy hàng trăm nhãn hiệu với nhiều mùi thơm khác nhau, từ “made in Vietnam” đến hàng nhập ngoại mà đa phần là nhang Đài Loan, Trung Quốc. Theo giới chuyên môn, nhang càng thơm càng độc hại do được ngâm tẩm hóa chất.

Tràn lan hương nhang tẩm hóa chất độc hại - 1
Màu vàng trên những cây nhang là phẩm màu Trung Quốc
thường được dùng để nhuộm chiếu. 
 
Dạo qua một số chợ như: Nghĩa Tân, Ngọc Hà, Đồng Tâm… tại Hà Nội, thị trường nhang quả là đa dạng về nhãn hiệu và mùi hương. Mùi hương phải kể đến hương trầm, quế, sứ, lài, hoa hồng, hoa cúc... đến “hương thơm đặc biệt” như chủ một sạp hàng trong chợ Đồng Tâm tiếp thị. Về nhãn hiệu, mỗi nhãn hiệu lại có vài chục mùi hương trở lên khiến “thượng đế” khó có sự lựa chọn sáng suốt.

Chị Thanh Hà, người dân sống tại Tân Mai (Hà Nội) cho hay: “Việc mua nhang thắp ngày rằm, mồng một đều do chồng tôi đảm nhiệm. Thế nên quả là khó lựa chọn loại nhang nào để đảm bảo chất lượng trong khi chồng đi công tác”. Bà Thơ, chủ sạp hàng hương hoa và đồ lễ tại chợ Nghĩa Tân, cho biết: Yêu cầu đầu tiên của người dân khi đến mua nhang là không bị rơi tàn sau khi đốt và có mùi hương thơm lâu, chứ ít người chú ý tới nhãn hiệu nhang.

Được biết, mùi hương được nhiều người hỏi mua nhất là mùi trầm. Chỉ riêng mùi trầm, nhang đã có khoảng vài chục mùi khác nhau, từ trầm nhẹ, trầm thường, trầm đặc biệt đến trầm nội, trầm ngoại nhập... Khảo sát thị trường nhang, tình trạng phổ biến là gần như 100% nhãn hiệu nhang không ghi thành phần, hương liệu sử dụng, còn địa chỉ cơ sở sản xuất thì có nhãn hiệu ghi, có nhãn hiệu để trống không in trên bao bì.
 
Tràn lan hương nhang tẩm hóa chất độc hại - 2
Một xưởng sản xuất nhang độc hại, bụi bặm, mất vệ sinh ở làng Cao Thôn, Hưng Yên.

Trao đổi với Dân trí, bà Dương Anh, Phó Chủ tịch Công ty Hương Phụng Nghi cho hay: “Phải gọi đó là mùn cưa tẩm hóa chất, đừng gọi đó là nhang. Nén nhang dân gian truyền thống đúng nghĩa phải hoàn toàn làm từ thảo mộc thiên nhiên thanh khiết - hàm chứa nét văn hóa linh thiêng, là tình cảm cao đẹp, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, là giao hòa huyền diệu thiêng liêng giữa Trời, Đất và Người. Khi thắp lên, nén nhang làm không gian thanh tịnh, làm tâm hồn an lạc, bình yên, tĩnh tại.

Còn “Mùn cưa tẩm hóa chất” ngoài thị trường đáng giá bao nhiêu? 3.000 đồng hoặc 5.000 đồng cùng lắm là 10.000 đồng/ bó và không thể hiện được chút văn hóa Việt nào trong đó cả. Nó có rẻ quá so với sức khỏe, so với lời ước nguyện và tình cảm cao đẹp của chúng ta thờ phụng tổ tiên và các đấng linh thiêng hay không? Bản thân tôi chưa thấy ở nước nào hương nhang rẻ như Việt Nam cả.

Phụng Nghi kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để trả lại sự linh nghiêm văn hóa cho những nén hương nhang…”.

Nói về về việc sử dụng hóa hóa chất trong làm nhang, TS. Nguyễn Công Ngữ - Nguyên trưởng phòng Nghiên cứu thực phẩm - Viện Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ NN-PTNT trong một bài trao đổi với Sức khỏe và Đời sống cho biết: Trong làm nhang hiện nay, do chạy theo thị hiếu người tiêu dùng, nhiều hộ sản xuất nhang đã sử dụng hóa chất là axít photphoric (H3PO4) để ngâm tăm nhang để nhang sau khi cháy hết sẽ cuốn tàn.
 
Tràn lan hương nhang tẩm hóa chất độc hại - 3
Thử với giấy quỳ, giấy quỳ đổi sang màu đỏ tía, chứng tỏ có axit trong chân nhang.

Phân tích theo khía cạnh hóa học, khi ngâm tăm nhang vào H3PO4 các hợp chất hữu cơ sẽ bị loại bỏ, H3PO4 sẽ kết hợp với xenlulo (thành phần chính của que tre, nứa) tạo thành estephotphat. Sau khi được phơi khô, nước sẽ bay hơi, trên tăm nhang sẽ chỉ còn estephotphat. Khi đốt nhang, nhiệt độ sẽ làm cho estephotphat thăng hoa dưới dạng andihrit photphoric (P2O5) làm que nhang cháy nhanh hơn đồng thời kéo tàn nhang có hình cong tròn. Tuy nhiên, các chất khí được sinh ra trong quá trình đốt nhang sẽ có chất P2O5. Chất này tồn tại trong không khí, khi tác động lên da sẽ làm da bị mòn; tác động lên hệ hô hấp gây khó thở; tác động lên giác mạc gây ngứa mắt. Vì những lý do này mà khi đi đền, chùa gặp khói hương đốt dày đặc nhiều người có biểu hiện chảy nước mắt, ho sặc sụa...

Về lâu dài, nếu tiếp xúc thường xuyên sẽ làm mắt ngày càng mờ đi, thị lực giảm xuống, thậm chí có thể gây mù lòa. Lo ngại hơn, bởi lẽ khi hít phải khói nhang có sử dụng H3PO4 trong quá trình ngâm tăm nhang, các chất độc hại sẽ không thể tác động ngay, mạnh đến cơ thể, mà nó sẽ tích lũy dần dần, gây nguy hại từ từ cho con người.
 
Bà Dương Anh cũng cho biết thêm: “Theo kinh nghiệm dân gian mà Phụng Nghi đã dày công sưu tầm, nghiên cứu: Để nhang cuốn tàn, chúng tôi chỉ chọn lấy phần cật cây nứa, ngâm dưới nước suối 3 tháng cho hết chất hữu cơ (đặc biệt là Lysin) rồi phơi khô và chẻ thủ công bằng tay (vì sau khi ngâm cây nứa sẽ nhẹ và giòn, không chẻ được bằng máy). Khi làm nhang cũng phải làm từ 5h sáng tới 2h chiều vào ngày nắng, để nhang được phơi trong 1 ngày mới có thể cuốn tàn được. Làm như vậy nhang cũng sẽ cháy lâu, cháy đượm. Nén nhang theo kinh nghiệm dân gian là kỳ công và tinh hoa đến như thế.

Còn hiện nay, ngoài thị trường, chân nhang họ làm bằng tre tươi, chẻ bằng máy với công suất cao rồi ngâm với axít photphoric (H3PO4) là xong. Có những cơ sở sản xuất với số lượng nhiều, người công nhân chuyên nhúng chân nhang vào H3PO4 bị axit này ăn da chân da tay loang lổ, ngấm vào người đến mức tóc trên đầu bị đỏ quạch! Sự giả dối là không thể chấp nhận. Càng không thể chấp nhận nếu sự giả dối đó núp trong nét tinh hoa truyền thống rồi dần mòn hủy hoại những giá trị văn hóa dân gian…”.

Hiền Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm