1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trần lãi suất: Thuốc chống lạm phát “quá đắng”

(Dân trí) - Tối 22/4, các hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (khu vực phía Bắc) họp bàn và đi đến thống nhất vẫn giữ nguyên mức trần lãi suất huy động vốn VND 11%/năm. Theo các chuyên gia, việc đồng thuận trên đang đi ngược lại với tính cạnh tranh của thị trường.

VNBA và ngân hàng cùng “rối”

Kết thúc cuộc họp kéo dài mấy tiếng đồng hồ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chiều tối qua, các hội viên đã đồng thuận giữ nguyên mức trần lãi suất huy động vốn đối với VND là 11%/năm và USD là 6%/năm. Ngày 25/4 tới, VNBA cũng sẽ họp lấy ý kiến các hội viên khu vực phía Nam.

Được biết, tại cuộc họp tối qua, các thành viên VNBA đã thảo luận xoay quanh có 3 phương án: Giữ nguyên mức đồng thuận đang áp dụng, không kèm theo bất cứ một chương trình khuyến mãi nào; Nâng trần lãi suất huy động VND lên 12%/năm và trần lãi suất huy động USD 7%/năm; Áp dụng 3 mức lãi suất 11,5% - 12% - 13%/năm tương ứng với 3 nhóm ngân hàng với quy mô khác nhau, càng nhỏ được phép áp dụng mức lãi suất càng cao.

Có khá nhiều ngân hàng nghiêng về phương án nâng lãi suất trần huy động vốn lên thêm 1% so với hiện nay, để nhằm tăng tính hấp dẫn đối với người gửi tiết kiệm. Bởi thực tế cho thấy, sau khi hạ mức lãi suất xuống, tổng vốn huy động của các ngân hàng đã sụt giảm khá mạnh, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tăng cao, tính thanh khoản của nhiều ngân hàng đang rơi vào báo động.

Tuy nhiên, kết thúc buổi họp, phương án giữ nguyên trần lãi suất đã được đông đảo các thành viên hiệp hội phía Bắc thông qua. Sáng nay, khi phóng viên Dân trí điện thoại tới bà Dương Thu Hương, Tổng thư kí Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, bà Hương đã từ chối tiếp chuyện với lý do “rất bận”.

Còn trao đổi với Tổng Giám đốc một ngân hàng TMCP, vị này tỏ ra rất chán và “không muốn bàn luận thêm về chính sách của Nhà nước nữa. Chúng tôi đang rất rối, bởi những chính sách điều hành không đúng quy luật” - ông than thở.

Trái với quy luật

TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội) cho rằng: Chính sách lãi suất tiền gửi thực âm hiện nay khiến đồng tiền Việt Nam bị coi rẻ và kéo dài nạn dư thừa tiền trong lưu thông, trong khi các ngân hàng mất tính thanh khoản và ngưng trệ hoạt động cho vay…

TS Phong nói: “Một trong những nguyên tắc cơ bản và phổ biến của đơn thuốc chống lạm phát trong kinh tế thị trường ở nước ta suốt 2 thập kỷ qua là thực hiện lãi suất thực dương".

Ông Phong đưa ra dẫn chứng trong việc lo ngại sự đảo chiều của các dòng tiền gửi, nhất là việc một số ngân hàng thương mại nhà nước bị các ngân hàng khác cạnh tranh hút bớt khách gửi tiền.

Ngân hàng Nhà nước còn chính thức ra thông báo yêu cầu các ngân hàng thương mại phải triệt để áp dụng trần lãi suất huy động 12%, rồi phải hạ tiếp xuống 11% trong khi mức lạm phát trên thực tế cùng thời điểm là 16 - 18%, hơn nữa lại cho phép thả nổi trần lãi suất cho vay.

Kết quả là dư lượng tiền thừa trong lưu thông vẫn quá nhiều, trong khi nhiều ngân hàng không huy động đủ tiền mặt để bảo đảm tính thanh khoản và cho vay cần thiết, nhân viên tín dụng một số ngân hàng phải chơi dài trong nhiều tháng qua.

“Rõ ràng là, trong bối cảnh tính độc quyền còn cao thì cạnh tranh thị trường và thực hiện các đơn thuốc chống lạm phát theo đúng nguyên tắc thị trường còn là quá đắng, không dễ và càng không thể tự nguyện nuốt đối với ngành ngân hàng ở Việt Nam” - ông Phong nhấn mạnh.

Về vấn đề trần lãi suất, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ còn cho rằng, việc các ngân hàng đồng thuận mức lãi suất huy động VND 11%/năm hiện nay có “dấu hiệu của một sự ép buộc và nó vi phạm tính cạnh tranh trên thị trường”.

Mặc dù trước mắt chính sách này sẽ ngăn chặn làn sóng chạy đua lãi suất huy động của các ngân hàng nhưng nó lại đang thể hiện tính thiếu công bằng đối với các ngân hàng nhỏ. Bởi theo tâm lý của người gửi tiền, khi mặt bằng lãi suất như nhau họ sẽ tìm đến những ngân hàng lớn, có uy tín hơn để gửi.

Còn thực tế cho thấy, khi cuộc chạy đua tăng lãi suất lên cao đỉnh điểm trên 14,4% thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước “thổi còi” bằng trần lãi suất 12%, các ngân hàng buộc phải nghe theo nhưng lại nảy sinh những chiêu khuyến mãi hấp dẫn. Tính ra, đây là một cách “lách luật” khá hoàn hảo và đồng thuận trần lãi suất hiện nay cũng đang ngấp nghé những chiêu thức như vậy.

An Hạ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm