TPHCM: Ngân hàng “siết”, nhà đất “co”

(Dân trí) - Với tình hình hàng loạt ngân hàng ngừng cho vay đối với các dự án đầu tư bất động sản (BĐS) gần đây, đồng thời lãi suất vay cũng tăng cao khiến nhiều nhà đầu tư lao đao, thị trường BĐS TPHCM có dấu hiệu “co” lại.

Trầm lắng 

Trước ngày 20/2, khi các ngân hàng vừa có quyết định siết khoản cho vay đầu tư BĐS, thị trường hết sức trầm lắng, các thông tin rao bán, rao mua đều ít, nhưng giá cả không hề có dấu hiệu giảm như đợt thoái trào năm 2007. Vì ai cũng chờ thăm dò thị trường biến động ra sao. 

Bước sang các ngày 21, 22/2, các công ty địa ốc tại TPHCM liên tục nhận được yêu cầu rao bán nền đất, căn hộ chung cư… của khách hàng. Các nền, nhà ngay tại các khu vực đẹp như: quận 2, 7, 9, Nhà Bè… cũng chào bán hàng loạt. Lúc này, giá cả đã có dấu hiệu giảm nhẹ vài trăm ngàn/m2. Tuy vậy, số lượt giao dịch vẫn diễn ra rất ít, các đơn rao mua vẫn rất nhỏ giọt.  

Theo các chuyên gia, diễn biến thị trường BĐS như trên rất bất lợi, có nguy cơ sẽ đóng băng cục bộ. Dù các chính sách điều tiết mạnh tay của Chính phủ thời gian qua không ảnh hưởng nhiều đến các nhà đầu tư; nhưng đối với các nhà đầu cơ vừa và nhỏ thì đó là một đòn quá mạnh khiến họ chùn tay, đây lại là lực lượng thao túng thị trường, đẩy giá BĐS lên cao, biến thị trường thành “bong bóng”. 

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Trần Du Lịch - Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, thì điều tiết là cần thiết, vì giá nhà đất hiện nay đang trong tình trạng "bong bóng", nó khiến người dân thực sự có nhu cầu nhà ở thì không mua được nhà, người có tiền thì đầu cơ để thu lợi, nhà nước thì thất thu thuế.  

Đồng thời thị trường này cũng rất dễ vỡ, nếu tình trạng đổ vỡ diễn ra sẽ gây hậu quả xấu cho sự phát triển kinh tế TPHCM. Do đó, điều tiết càng sớm càng tốt. 

Thông tin từ một số công ty địa ốc cho biết: nhiều căn hộ cao cấp cũng sẽ được tung ra bán trong thời gian gần. Vì đây là mặt hàng được đầu cơ nhiều nhất trong thời gian qua, mà các nhà đầu cơ đang điêu đứng vì quy định siết vay mua BĐS của các ngân hàng, nếu ai ôm hàng càng nhiều thì nguy cơ phá sản càng cao khi thị trường đóng băng. Dự kiến giá cả có thể giảm đến 1 triệu/m2 trong thời gian đầu. 

Chuyển hướng 

Với diễn tiến thị trường BĐS hiện nay, nhiều nhà đầu cơ đang có dấu hiệu muốn rút vốn khỏi thị trường TPHCM càng sớm càng tốt. Theo ghi nhận của các website mua bán nhà, đất như muaban.net, nhadatsaigon.vn… thì từ sau tết, lượng rao bán tăng cao còn lượng rao mua giảm sút. Có việc này vì hầu hết người có nhu cầu mua nhà ở thực sự đều đang chờ giá giảm thêm. Dấu hiệu này hết sức bất lợi cho thị trường BĐS TPHCM. 

Trước tình hình nhà đất TPHCM ảm đạm như vậy, các nhà đầu cơ BĐS đang rục rịch chuyển hướng kinh doanh sang các vùng phụ cận sài gòn như: Đồng Nai, Long An, Bình Dương… Vì nhà đất ở đây vẫn còn rẻ.  

Ngay sau đó xuất hiện hiện tượng ăn theo giá của các dự án tại đây. Tiêu biểu như dự án Tân Đô, Long An nền đất tăng cả triệu đồng/m2 trong 1 ngày, hiện đang có giá 4,5 triệu đồng/m2. Tại Đồng Nai, giá rao bán tại một số vị trí của khu đô thị Nhơn Trạch đã vọt lên mức 6 triệu đồng/m2 trong khi vài tháng trước chỉ hơn 2 triệu đồng/m2. Tại Bình Dương, các dự án hầu như đều đã có chủ, muốn mua phải sang tay với giá cao hơn vài triệu/m2. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không điều tiết sớm thì thị trường BĐS khu vực này không sớm thì muộn cũng sẽ trở thành thị trường “bong bóng” tương tự như tại TPHCM. Điều này sẽ rất ảnh hưởng đến các dự án phát triển kinh tế, công nghiệp tại các địa phương này; do giá đền bù đất nông nghiệp để thực hiện dự án ngày càng tăng cao, quá khả năng của nhà đầu tư, dẫn đến việc dự án bị đình trệ. 

Tùng Nguyên