TPHCM: Làng mai “khóc” vì… báo chí

(Dân trí) - Giá cả phân bón, nguyên vật liệu lên vù vù, thời tiết khắc nghiệt đã làm cho làng mai điêu đứng. Thế nhưng điều làm cho người trồng mai phải “khóc” là tình trạng báo chí "thổi giá" lên trên trời khiến cho 2 làng mai nổi danh lâm vào cảnh ế ẩm.

Ghé thăm một vài vườn mai ở 2 làng Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) và An Phú Đông (quận 12) như của ông Hai On, ông Tám Sết, Bảy Râu vào thời điểm này mọi người có thể ngắm những màu vàng sặc sỡ. Đó là màu của nhiều chậu mai đã nở rộ và đối với người trồng mai năm nay lại là một năm làm ăn thất thu.

Khó khăn lớn nhất đối với họ chính là sự thất thường của thời tiết. Mặc dù chăm chút những cây mai của mình từng li từng tí để có thể đưa mai ra bán vào dịp tết. Nhưng với những đợt triều cường và những trận mưa thất thường cuối năm đã làm cho người trồng mai lâm vào cảnh khốn đốn. Bởi mai đã “bung” không thể đem ra ngoài thị trường bán cho khách nữa.

Những cản trở về thời tiết là điều không tránh khỏi trong cái nghiệp trồng mai và đã theo nghề này nhiều người phải cam chịu. Tuy nhiên, vẫn còn một nỗi khó khăn vô hình làm người trồng mai bị ám ảnh trong năm nay. Đó chính là những cơn “bão giá ảo” mà nhiều tờ báo đã “tự làm giá” cho mai trong thời gian qua.

Một số bài báo tác giả đã dựa vào thời tiết để đôn giá mai tăng lên từ 40% đến 55%, thậm chí có báo còn đưa giá tăng đến 70%. Vì vậy, nhiều người mua đã ái ngại cất công đến các nhà vườn để mua mai về chơi tết, khiến cho những người trồng mai lâm vào cảnh ế ẩm…

Nghệ nhân Hai On, ở hẻm 19 đường Tam Bình, Hiệp Bình Chánh bắt đầu câu chuyện với chúng tôi đầy tâm trạng: “không biết họ dựa vào đâu đế đưa giá mai của chúng tôi lên mức cao như vậy. Đúng là năm nay mai có tăng giá do ảnh hưởng của thời tiết nhưng so với năm ngoái chỉ lên 20% - 30%. Lên có từng đó đã khó bán rồi, lên như các nhà báo nói chắc chúng tôi đưa mai về chưng đầy nhà mình để đón tết!”.

Còn chị Nguyễn Thị Lan, nhà ở hẻm 21 cũng tâm sự: “Tôi làm nghề buôn bán mai tết nhiều năm nay rồi. Chưa có năm nào giá tăng hơn năm trước từ 50% đến 70% cả. Không biết mấy anh, chị nhà báo lấy thông tin giá ở đâu mà hay thế. Hình như tết nào cũng vậy giá mai đều được họ đẩy lên tới trời. Tại sao không xuống thực tế tại nhà vườn chúng tôi để hỏi cho biết”.

Cũng vì việc mai bị làm giá mà khi đến vườn mai của nghệ nhân Tám sết ở làng mai An Phú Đông, chúng tôi đã đón nhận được một ánh mắt thiếu thiện cảm. Ông Tám bức xúc: “ai chứ báo chí là tôi không nghe, không nói, năm nay mất mùa mà các anh “làm giá” như vậy, dân trồng mai bọn tôi sống sao nổi!”.

Còn khi rời vườn mai của nghệ nhân Bảy Râu, vợ ông rưng rưng nước mắt nhắn nhủ: “mấy con làm báo phải viết cho đúng sự thật, việc thật đừng “nổ” lên quá, có sao thì hãy viết vậy. Giống như chuyện giá mai này, đúng là có tăng thật nhưng không đáng kể. các báo lại nói giá tăng cao như vậy, chẳng có một ai dám bén mảng đến mua. Ế ẩm thế này chắc năm nay nhà tui lại còng lưng trả nợ ngân hàng”.

Cái nghiệp trồng mai là vậy, để có được một chậu mai người trồng mai đã phải ăn dầm nằm dề quanh năm suốt tháng, đến khi đứa con tinh thần ra lò mà không ai ngó ngàng tới thì đau khổ vô cùng. Mất mùa vì ông trời thì đành chịu, nhưng vì mấy dòng chữ trên báo thì thật đáng buồn. 

Đức Nguyễn - Lê Mỹ