1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM đang thừa tiền

TPHCM đang thừa tiền. Số tiền này trước đây vốn nằm im “dưới gối” mà không được đưa vào xã hội làm ăn, đầu tư... Đến ngày 30/6, con số huy động kết dư nằm trong các ngân hàng gần 384 ngàn tỉ đồng (tương đương 24 tỉ USD). Con số này cho thấy, dân cư vẫn đang giữ nhiều tiền trong tay của mình.

Tiền đang dư thừa

Sáu tháng đầu năm, riêng 2 cuộc phát hành lớn của Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt đã “hút” mất trong dân cư và các tổ chức kinh tế hơn 11 ngàn tỉ đồng. Hiện giá trị vốn hoá của thị trường cổ phiếu niêm yết đạt trên 300 ngàn tỉ đồng, tương đương 20 tỉ USD và chiếm 31% GDP. Đầu năm đến nay, khoảng 4 tỉ USD được đổ thêm vào thị trường chứng khoán.

Đáng chú ý ở chỗ, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán không làm giảm sức huy động vốn của các ngân hàng trong cùng thời kỳ, mà đã tăng 34,5%. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng đang dư thừa. Vì vậy, hoạt động trên thị trường liên ngân hàng gần đây sôi nổi hẳn lên, với những ngân hàng đang “dư tiền” tìm ngân hàng bạn để cho vay bớt.

Lượng tiền mặt “thừa” trên thị trường càng bộc lộ khi lần đầu tiên, từ cuối năm 2006 và 2007, xuất hiện nguy cơ tiền đồng tăng giá so với USD. Một trong những lý do là 6 tháng đầu năm, khoảng 5 tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán, mà một phần lớn được đổi sang tiền đồng (để mua chứng khoán), góp phần gia tăng lượng cung tiền trên thị trường.

Đó là lý do tại sao Ngân hàng Nhà nước phải mua tiền vào bằng cách phát hành trái phiếu và quy định các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc. Nếu không tăng dự trữ, ước tính TPHCM có thêm gần 20 ngàn tỉ đồng lưu thông bên ngoài.

Bên cạnh đó, con số huy động kết dư gần 384 ngàn tỉ đồng đã thể hiện một phần xu thế chung về tỷ lệ tiền gởi tiết kiệm tính trên GDP ngày càng tăng trong dân cư. Năm 2006, tổng mức tiền huy động vào ngân hàng/GDP đạt khoảng 68%. Trong khi đó, ở Trung Quốc tiền gởi tiết kiệm/GDP khoảng 130%, Thái Lan và các nước khu vực là 150%.

Con số cho thấy người dân Việt Nam vẫn đang “dư thừa” trong tay một lượng lớn tiền mặt, và chưa biết đưa nó vào đâu để làm ăn, đầu tư, nảy nở.

Tiền chưa có niềm tin?

Trong khi tiền người dân nằm im, thì vốn đầu tư trong nước lại thiếu. Trong báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của UBND TPHCM, thành phố cấp 153 quyết định đầu tư với tổng vốn đầu tư 21.543 tỉ đồng, là một con số còn rất nhỏ.

Tuy nguồn vốn đầu tư này phần lớn được lấy từ ngân sách hoặc tư nhân, nhưng nó cũng phản ánh phần nào sự khập khiễng qua lượng tiền ngân hàng huy động được và lượng vốn đầu tư.

“Thí dụ, cần 1 tỉ USD để xây dựng một con đường, bảo người dân bỏ tiền vào đầu tư, 10 năm sau trả lãi cộng vốn thì ai mà cho vay”, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu nhận xét.

Với trường hợp này, thường thì thông qua các định chế tài chính, các ngân hàng thương mại, với tiền gởi kỳ hạn khác nhau: 3 tháng, 1 năm… các định chế tính toán, “biến hoá” gói tiền có kỳ hạn 10 năm, mua trái phiếu. Nhà nước sẽ dùng tiền phát hành trái phiếu để đầu tư xã hội.

Đó là lý do vì sao muốn tận dụng tiền trong dân phải viện đến các định chế tài chính. Định chế tài chính có vai trò chuyển các đồng tiền có kỳ hạn và giá trị khác nhau trở thành một gói tiền phù hợp với nhu cầu của dự án, tạo ra giá trị gia tăng cho thị trường.

Để khuyến khích lượng tiền “thừa” trong dân “xuất đầu lộ diện” là không dễ dàng. Điều cần nhất là phải tạo nên một sự ổn định niềm tin vào hệ thống tài chính, để thay vì cất “dưới giường”, người dân đem tiền ra đầu tư, hoặc gởi ngân hàng. Thứ hai, phong phú hoá các sản phẩm tín dụng. Thứ ba, mở rộng kênh thu hút vốn như bảo hiểm, chứng khoán...

Các yếu tố trên cần được “kích” bởi hàng loạt các biện pháp có liên quan đến quản lý nhà nước, năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng...

Hiện nay Chính phủ cũng đang cố gắng huy động nguồn vốn trong dân, thông qua cách phát hành các loại trái phiếu, tuy nhiên chưa thu hút được nhiều. Đồng thời, một khi thị trường trái phiếu chưa phát triển, có nghĩa là chưa có các công cụ bảo vệ rủi ro cho các ngân hàng – thì khó có thể chuyển tải vốn dân tái đầu tư vào xã hội.

Theo Hồng Sương
Báo Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm