Top 15 nhãn hiệu chi “mạnh tay” nhất 2009
(Dân trí) - Một nhãn hiệu Việt chi tới 15,3 triệu USD, chiếm ngôi vị số 1 trong bảng xếp hạng top 15 nhãn hiệu chi nhiều tiền nhất trong năm 2009, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận ra vai trò sống còn của việc xây dựng thương hiệu.
Theo số liệu do Công ty Nghiên cứu thị trường TNS cung cấp thì các công ty sữa vốn được nhận định là các “đại gia” mạnh tay chi tiền trong lĩnh vực này đã bị loại ra khỏi Top 15 năm 2009 khi một nhãn hiệu sữa duy nhất trong bảng xếp hạng 2008 đã bị đẩy ra.
Nhãn hiệu Việt Nam và các con số chi phí khổng lồ
Danh sách 15 nhãn hiệu chi nhiều nhất cho quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu năm 2009 gần như được chia đều giữa các nhãn hiệu Việt và các nhãn hiệu nước ngoài khi có tới 7 nhãn hiệu Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng này.
Trong năm 2009, Công ty Tân Hiệp Phát đã bỏ ra số tiền khổng lồ là 15,3 triệu USD cho nhãn hiệu trà Dr. Thanh, chi phí đầu tư tăng tới 1.762% và tăng 147 bậc so với năm 2008. Việc này đã đưa Dr. Thanh chiếm vị trí số 1 trong Top 15 nhãn hiệu chi nhiều tiền nhất năm 2009 - “qua mặt” tất cả các “đàn anh” đứng trong bảng xếp hạng nhiều năm liền.
Đứng vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng là nhãn hiệu 8798 - dịch vụ nhắn tin với số tiền chi cho xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu lên tới 11,7 triệu USD. Do số lượng người sử dụng điện thoại di động tại Việt Nam trong những năm gần đây ngày càng tăng là lí do hãng này tăng 251% (so với năm 2008) phí đầu tư cho quảng bá thương hiệu năm 2009.
Công ty Tân Hiệp Phát tiếp tục dốc tới 10 triệu USD, tăng 210% số tiền xây dựng nhãn hiệu Number 1 O độ, đưa nhãn hiệu này tăng tới 16 bậc so với năm 2008 và chiếm lĩnh vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng.
Các vị trí kế tiếp thuộc về 2 nhà mạng Vinaphone và Mobifone. Mặc dù, Vinaphone đã tăng ngân sách lên tới 33% cho xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trong năm 2009 nhưng chỉ giữ vị trí số 7, tụt 4 bậc trong bảng xếp hạng so với năm 2008.
Trong khi đó, Mobifone là nhãn hiệu, thương hiệu duy nhất đã cắt giảm chi phí xây dựng hình ảnh năm 2009 tới 27%, còn 69 triệu USD, rơi từ vị trí số 2 năm 2008 xuống vị trí thứ 9 trong bảng xếp hạng.
Nhãn hiệu Việt tiếp theo lọt vào bảng xếp hạng tiếp tục là Dịch vụ nhắn tin 8701 với 6,8 triệu USD, tăng chi phí đầu tư 121% so với năm 2008 đã đưa nhãn hiệu 8701 tăng 14 bậc và giữ vị trí thứ 11 trong bảng xếp hạng.
Nhãn hiệu Việt cuối cùng giữ vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng là nước tăng lực Number 1, chi 5,9 triệu USD, tăng chi phí 170% và nhảy 31 bậc so với năm 2008.
Các nhãn hiệu ngoại tại Việt Nam
Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Top 15 là nhãn hiệu Best Buy của Mỹ với số tiền chi cho quảng bá lên tới 14,1 triệu USD, tăng tới 149 bậc so với bảng xếp hạng năm 2008. Năm 2009 chứng tỏ sự đầu tư rất lớn của Best Buy tại Việt Nam khi họ quyết định tăng ngân sách lên tới 1.644% so với năm 2008.
Vị trí thứ 5 và thứ 6 thuộc về 2 nhãn hiệu của “đại gia” Unilever là Omo (9,8 triệu USD) và Comfort (8,5 triệu USD. Giữ vị trí số 10 là nhãn hiệu nước xả vải Downy của P&G với con số đầu tư 6,9 triệu USD. Quyết định tăng 117% chi phí cho việc quảng bá nhãn hiệu này đã giúp Downy tăng tới 12 bậc so với năm 2008 trong bảng xếp hạng.
Các vị trí tiếp theo trong bảng xếp hạng thuộc về nhãn hiệu dầu gội Sunsilk (6,8 triệu USD) giữ vị trí thứ 12, nhãn hiệu dầu gội đầu Rejoice giữ vị trí thứ 14 (5,6 triệu USD). Vị trí thứ 15 - vị trí áp chót của Top 15 thuộc về nhãn hiệu hạt nêm Knorr với chi phí 5,2 triệu USD.
Xét toàn diện trong lĩnh vực quảng cáo, Unilever vẫn tiếp tục duy trì ngôi vị số 1 là doanh nghiệp đầu tư chi phí nhiều nhất cho quảng cáo với con số 86,7 triệu USD, tăng 89% ngân sách so với năm 2008.
Quyết định tăng ngân sách quảng cáo lên tới 198% so với năm 2008 đã đưa Tân Hiệp Phát vươn lên chiếm vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng với con số 43,9 triệu USD trong năm 2009. Mặc dù, trong năm 2009 P&G Việt Nam đã tăng tới 83% ngân sách quảng cáo so với năm 2008 nhưng vẫn tụt xuống vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này vẫn còn nghi ngờ về mối tương quan giữa chi phí bỏ ra với sự thành công của nhãn hiệu. Tuy nhine có một điều rõ ràng rằng các nhãn hiệu nằm trong Top 15 này đã thực sự trở thành các nhãn hiệu, thương hiệu quen thuộc của người tiêu dùng Việt Nam.
Minh Tuấn - Thanh Ngọc