Tổng tài sản VietinBank “phình” thêm 73.000 tỷ đồng năm 2013
Theo báo cáo tài chính 2013 của VietinBank, tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản đã tăng 14,5% đạt 576.384 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 54.076 tỷ đồng, tăng 60,58%. Như vậy, Vietinbank tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản và vốn điều lệ lớn nhất trong khối ngân hàng TMCP.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Dòng tiền chảy mạnh, VN-Index vẫn để vuột mốc 590 điểm |
Tính đến 31/12/2013, dư nợ cho vay của VietinBank đạt 376.288 tỷ đồng, tăng 12,88% so với cuối năm 2012.
Nếu như năm 2004, khách hàng truyền thống của VietinBank chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước (chiếm khoảng 45% dư nợ cho vay) thì đến năm 2013 dư nợ cho vay doanh nghiệp nhà nước (trong đó bao gồm cả các CTCP Nhà nước và công ty TNHH Nhà nước) chỉ còn chiếm 40% tổng dư nợ; cá nhân và các thành phần khác chiếm 18%; phần còn lại là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp FDI và tổ chức kinh tế tập thể.
Đồng thời với đó, số dư tiền gửi khách hang của VietinBank cũng đã đạt 364.498 tỷ đồng tính tại thời điểm cuối năm 2013, tăng 26,44% so với cuối năm 2012.
Chủ yếu đầu tư vào trái phiếu
Năm vừa rồi, VietinBank đã dành 86.774 tỷ đồng cho đầu tư chứng khoán, tăng 13,68% so với cuối năm 2012, trong đó trái phiếu Chính phủ chiếm đến 58% danh mục. Việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ lớn khiến mức độ rủi ro trong đầu tư không cao mặc dù mức sinh lời sẽ không đột biến.
Đáng chú ý, trong năm vừa rồi, tỷ lệ nợ xấu của VietinBank ở mức thấp nhất so với các ngân hàng niêm yết và thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của ngành, chỉ ở mức 1% (giảm so với cuối năm 2012); tỷ lệ bao phủ nợ xấu (Coverage ratio) luôn dao động trong khoảng 70 - 80%.
Tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) của VietinBank có xu hướng giảm trong những quý gần đây. Tính đến 31/12/2013, tỷ lệ LDR đạt 103,23% (song vẫn đạt mức cao trong tương quan với các ngân hàng cùng quy mô). Theo VietinBank, việc siết chặt tăng trưởng tín dụng của NHNN, cùng với tốc độ tăng trưởng tiền gửi của VietinBank tăng nhanh hơn cho vay là nguyên nhân khiến LDR giảm.
Về khả năng sinh lời, nằm trong bối cảnh khó khăn chung, lợi nhuận và tổng thu nhập của VietinBank trong 3 năm gần đây cũng có xu hướng giảm. Lợi nhuận sau thuế giảm từ 6.259 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 5.810 tỷ đồng năm 2013. Tổng thu nhập cũng giảm từ 22.374 tỷ đồng năm 2011 xuống còn 21.781 tỷ đồng năm 2013. Tuy nhiên so với các ngân hàng trong cùng hệ thống, mức giảm lợi nhuận và thu nhập của VietinBank vẫn ở mức thấp và vẫn là ngân hàng dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận.
Cơ cấu thu nhập của VietinBank qua các năm chủ yếu từ hai hoạt động chính là thu nhập lãi thuần và thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Trong đó thu nhập lãi thuần chiếm khoảng gần 85% và thu nhập từ hoạt động dịch vụ khoảng 7%.
Lợi nhuận giảm đã khiến cho các chỉ tiêu sinh lời của VietinBank cũng bị ảnh hưởng. ROA (Lợi nhuận trước thuế/ Tổng tài sản bình quân), ROE (Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu bình quân theo trọng số thời gian) của ngân hàng trong 3 nằm gần đây có xu hướng giảm. Tính đến 31/12/2013, ROA đạt 1,4% và ROE đạt 13,72%.
Ngoài ra, theo xu hướng chung của toàn hệ thống, biên lợi nhuận (NIM) của VietinBank cũng có xu hướng giảm, xuống còn 3,62% tại 31/12/2013 do Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn khiến cho thu nhập lãi thuần của các ngân hàng bị ảnh hưởng.