Tổng giám đốc VIB: Quản trị rủi ro quan trọng hơn nhiều lợi nhuận
Điểm nghẽn lớn nhất vẫn nằm ở nợ xấu, tuy nhiên Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) Hàn Ngọc Vũ cho rằng tình hình các ngân hàng đang tốt lên nhờ mạnh tay xử lý nợ xấu và định hướng kinh doanh phù hợp với thị trường.
Các ngân hàng và doanh nghiệp đang lần lượt công bố Kết quả kinh doanh quý II. Trong mùa bào cáo tài chính quý này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hàn Ngọc Vũ – Tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) về “sức khỏe” các ngân hàng.
Ông Hàn Ngọc Vũ - Tổng giám đốc VIB.
Tín dụng nửa đầu năm mới tăng 3,52% và còn rất xa mục tiêu 12-14% của cả năm. Rất nhiều ngân hàng tăng trưởng cho vay dưới con số trung bình ngành và thậm chí là âm. Ông nhìn nhận thế nào về thực trạng này?
Các ngân hàng Việt Nam vài năm gần đây đã cải thiện khá nhiều mảng dịch vụ nhưng không thể phủ nhận thu từ lãi vay vẫn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu doanh thu của mọi ngân hàng (70-80% hoặc hơn). Do đó, khi doanh nghiệp trong nước còn khó khăn, dù ngân hàng rất muốn cho vay thì nguồn vốn vẫn khó được khơi thông.
Tôi cho rằng, nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng khá thách thức (12-14%) nhưng các ngân hàng lại không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay. Đó là lý do vì sao nửa đầu năm VIB tăng 3% dư nợ so với cuối năm - đạt mức tăng trưởng trung bình ngành nhưng chúng tôi khá hài lòng vì chất lượng các khoản vay tốt, rơi vào những sản phẩm sinh lời cao, mức rủi ro thấp. Riêng mảng cho vay cá nhân của VIB chiếm tỷ trọng 46%, trong đó, cho vay mua nhà tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng không thể cho vay bằng mọi giá nhưng như ông nói, nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng rất thách thức. Vậy các ngân hàng nên lựa chọn như thế nào trong bối cảnh này?
Thực ra bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng không phải quá tệ. Như tại VIB, lãi trước thuế 6 tháng đầu năm nay cũng đạt 151 tỷ đồng, gần gấp đôi lợi nhuận của cả năm ngoái. Lợi nhuận trước dự phòng của VIB gần 600 tỷ đồng.
Theo như tôi được biết, lợi nhuận của một số ngân hàng khác cũng khá tốt nhờ việc chú trọng phát triển dịch vụ và có định hướng kinh doanh phù hợp với tình hình của thị trường. Bên cạnh đó các ngân hàng cũng mạnh tay xử lý nợ xấu qua trích lập dự phòng rủi ro. Khi tín dụng khó tăng, các ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay khách hàng cá nhân – đây cũng là động thái tốt để phát triển của mỗi ngân hàng bán lẻ.
Nửa năm 2014, VIB lại trích lập dự phòng tới 75% lợi nhuận. Đây cũng không phải lần đầu ngân hàng dành nhiều cho chi phí dự phòng rủi ro. Có ý kiến cho rằng chính sách này của ngân hàng hơi quá thận trọng, vì thế khiến lợi nhuận không như kỳ vọng của cổ đông. Ông nghĩ sao về điều này?
Đây là chính sách kinh doanh thận trọng mà VIB đã thực hiện nhất quán trong nhiều năm. VIB là một trong số những ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng một cách cấp tiến. Trong 4 năm trở lại đây VIB đã trích lập được hơn 3.000 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro lũy kế (sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro) của VIB hiện lên đến trên 1.700 tỷ đồng.
Nhờ thận trọng mà nợ xấu đến ngày 30/6 của VIB chiếm khoảng 2,77% tổng dư nợ. Đây là mức nợ xấu đã được phân loại và trích lập dự phòng theo quy định mới. Dù quy định mới có hiệu lực nhưng do là một trong 10 ngân hàng đầu tiên được lựa chọn triển khai tuân thủ Basel II nên VIB đã áp dụng chuẩn về trích lập dự phòng rủi ro theo quy định mới từ trước khi Thông tư 02 và Thông tư 09 sửa đổi có hiệu lực. Đó chính là điểm mạnh của VIB nằm trong chiến lược quản trị rủi ro mà VIB đã thực hiện trong những năm gần đây. Do đó nợ xấu của ngân hàng không bị ảnh hưởng.
Quả thực, tôi tin nếu vẫn tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, trích lập dự phòng không đầy đủ và chặt chẽ, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận cao, nhưng điều đó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng theo hướng này. Đối với VIB, quan điểm trích lập dự phòng đầy đủ, chia sẻ và đồng thuận, không những ở cấp HĐQT mà còn ở cổ đông để xây dựng ngân hàng an toàn, tăng trưởng bền vững, gia tăng lợi thế cạnh tranh và tiến nhanh theo chuẩn quốc tế.
Theo ông, từ nay đến cuối năm, đâu sẽ là cú hích để khơi thông tín dụng và đưa bức tranh lợi nhuận ngân hàng tươi sáng trở lại?
Theo tôi, mọi điểm nghẽn, mọi nút thắt vẫn nằm ở nợ xấu. Nợ xấu của toàn hệ thống mặc dù đã giảm tốc nhưng vẫn còn ở mức cao. Sắp tới, khi nguồn dự phòng rủi ro của các ngân hàng đầy đủ và dồi dào hơn, các nhà băng sẽ chủ động trong việc xử lý phần nào vấn đề này. Tiếp đến, VAMC có thể sẽ tạo nên nhiều bước tiến hơn trong việc xử lý nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu vô cùng quan trọng, vì từ đó sẽ phân loại được doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hay không hiệu quả. Với những doanh nghiệp hoạt động tốt và hiệu quả, họ sẽ là những khách hàng vay tốt, có điều kiện tiếp cận được vốn vay trở lại và tín dụng mới khơi thông. Các ngân hàng cũng sẽ yên tâm tập trung hơn vào hoạt động cho vay. Bên cạnh đó, tín dụng tại Việt Nam cũng có tính chu kỳ, thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm. Do đó, hy vọng lợi nhuận cả năm của các ngân hàng sẽ khả quan hơn.
Xin cảm ơn ông!
P.V