Tổng cục Thống kê: Tháng 7 tới, tiền điện sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng

(Dân trí) - Tổng cục Thống kê khẳng định, 3 tháng qua, do các hộ sử dụng điện được trợ giá nên chỉ số giá tiêu dùng CPI không chịu tác động nhiều, nhưng bắt đầu từ tháng 7, chắc chắn giá điện sẽ làm tăng CPI.

Tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm diễn ra sáng nay (29/6), bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết: Trong các tháng 4,5 và 6, giá điện tăng mạnh nhưng ít ảnh hưởng đến CPI trong các tháng này. Nguyên do là các hộ gia đình sử dụng dưới 300 kWh tiền điện đã được trợ giá giảm 68.000 đồng. Con số này chiếm đến hơn 90% số hộ sử dụng điện.

Tổng cục Thống kê: Tháng 7 tới, tiền điện sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng - 1

Tổng cục Thống kê khẳng định, việc tăng giá điện trong tháng 7 chắc chắn sẽ làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (ảnh Mạnh Nguyễn)

Song theo dự đoán của bà Ngọc, trong tháng 7 tới, giá điện có thể sẽ ảnh hưởng mạnh vào CPI.

Thời gian gần đây, nhiều hộ tiêu dùng phản ánh tiền điện thanh toán tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước. Cá biệt, một hộ ở Tiền Giang phản ánh hóa đơn tiền điện của người này nhiều tháng liền giống nhau, không sai một số. Trong khi đó, EVN khẳng định không can thiệp vào chỉ số công tơ của khách hàng, hóa đơn tiền điện tăng có thể do mùa hè nắng nóng, khách hàng sử dụng điều hòa nhiều.

Ngoài vấn đề giá điện, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng cho biết, chưa có bằng chứng về việc xu hướng dịch chuyển FDI từ các nước sang Việt Nam sau dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ông Thúy cho rằng, giai đoạn năm 2018 và 2020, FDI vào Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm, không có tăng đột biến, 6 tháng đầu năm 2020, FDI vào Việt Nam giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của hầu hết các nước lớn vẫn giữ vững hoặc giảm nhẹ, trong khi đó một số nước tăng đầu tư vào Việt Nam như Thái Lan tăng 320%, Singapore 247,2% và Đài Loan 143,4%.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, việc chuyển dịch FDI từ Trung Quốc sang các nước, trong đó có Việt Nam do chiến tranh thương mại và Covid-19 có thể xảy ra song theo Tổng cục Thống kê cần có thời gian để rà soát, đánh giá số liệu có hay không việc chuyển dịch này và đánh giá tác động cụ thể đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Thúy, sở dĩ có kết luận trên là bởi số dự án và vốn vẫn tăng đều qua các năm, kể cả các dự án lớn lẫn nhỏ. Bên cạnh đó, dù Việt Nam có nhiều ưu đãi nhưng các nước trong khu vực cũng xây dựng các cơ chế ưu đãi vượt trội, điều này khiến Việt Nam không có lợi thế so sánh quá lớn so với các nước.

Bên cạnh đó, việc chuyển đầu tư từ quốc gia này sang quốc gia khác không phải là việc dễ dàng, các nước có doanh nghiệp FDI đứng chân cũng đang có xu hướng giữ chân doanh nghiệp ở nước của họ để bảo vệ thị trường và tăng trưởng của mình, việc chuyển dịch đầu tư cần thời gian ít nhất 2-5 năm mới có thể được thực hiện.

An Linh