Tổng cục Quản lý thị trường sau một năm ra đời: Tinh gọn, chính quy, chuyên nghiệp
(Dân trí) - 2019 là năm đầu tiên lực lượng quản lý thị trường hoạt động theo mô hình tổ chức mới. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… đạt kết quả tích cực, thể hiện sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc.
Tinh gọn nhân sự, kiện toàn bộ máy
Tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương.
Theo đó, Tổng cục Quản lý thị trường chính thức ra đời theo hệ thống ngành dọc, tập trung, thống nhất và đảm bảo phù hợp với khoản 1 Điều 9 Pháp lệnh Quản lý thị trường.
Việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường được xác định là một bước quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội và đời sống người dân.
Sau một năm hoạt động đã giảm 164 Đội quản lý thị trường và ngay trong năm 2019 đã cơ bản hoàn thành Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
“2019 là năm đầu tiên lực lượng quản lý thị trường hoạt động theo mô hình tổ chức mới. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… đạt kết quả tích cực, thể hiện sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc” - ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nói khi chia sẻ với phóng viên trong ngày cuối cùng của năm 2019.
Tổng cục Quản lý thị trường ngay từ những ngày đầu thành lập đã hướng tới tập trung vào 5 nhiệm vụ chính, trong đó tập trung ổn định kiện toàn tổ chức; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.
“Việc quan trọng lập tổ chức bộ máy mới, ưu tiên hàng đầu ổn định sắp xếp và bổ nhiệm cán bộ. Đến nay đã hoàn thành cơ bản việc sắp xếp tổ chức, ổn định công tác cán bộ. Tổng cục đã hoàn thiện xong công tác bổ nhiệm các cấp từ cục trưởng, phó cục trưởng các cục quản lý thị trường địa phương, cho đến trưởng, phó phòng, đặc biệt hệ thống đội trưởng và phó đội trưởng”, ông Linh cho biết.
Nhiệm vụ thứ hai được ông Linh - Tổng cục trưởng nhấn mạnh đến đó là công tác nâng cao công tác đội ngũ cán bộ. Nếu so sánh mặt bằng các lực lượng cùng chức năng nhiệm vụ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, QLTT hiện nay không có trường lớp đào tạo đội ngũ chính quy. Chính vì vậy, việc nâng cao trình độ kiểm soát viên quản lý đội ngũ QLTT rất quan trọng.
Theo đó, Tổng cục đã xây dựng khóa tập huấn, khóa đào tạo, kiểm soát viên thị trường, kiểm soát viên chính thị trường, kiểm soát viên cao cấp thị trường, cũng như mở các lớp chuyên gia chuyên ngành.
Tổ chức ngành dọc phát huy ưu điểm
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường cho biết, trước đây, lực lượng QLTT được “cắt khúc” thuộc địa phương. Tuy nhiên, với quyết định thay đổi mô hình tổ chức xuyên suốt, từ Bộ Công Thương thành lập Tổng cục, phía dưới có 63 Cục ở các địa phương.
“Qua 1 năm hoạt động theo mô hình mới này, việc thay đổi cơ cấu, mô hình tổ chức của lực lượng quản lý thị trường rất phù hợp với việc điều hành, đặc biệt trong bối cảnh tình hình gian lận thương mại, hàng giả hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tinh vi và manh động hơn”, ông Linh nhấn mạnh.
Cụ thể, trên mặt trận chống buôn lậu, việc thay đổi mô hình tổ chức xuyên suốt đã giúp sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng được đồng bộ hơn. Ở tuyến đầu biên giới có bộ đội biên phòng, hải quan; khi hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường và công an cũng có phối hợp nhịp nhàng hơn rất nhiều. Bản thân lực lượng quản lý thị trường trong khi kiểm tra thị trường nội địa cũng bắt giữ nhiều vụ việc có tính hệ thống và đường dây.
Đối với công tác chống hàng giả, năm 2019, lực lượng xuyên suốt từ trung ương tới địa phương đã kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc. Từ hàng giả của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới đến hàng giả được sản xuất trong thị trường nội địa; hàng giả được sản xuất một nơi và tiêu thụ ở các địa bàn khác nhau.
Do đó, việc chỉ đạo xuyên suốt rất quan trọng trong việc phát hiện nơi sản xuất đến nơi kho chứa hàng. Lực lượng QLTT đã xử lý nhiều vụ việc, thu giữ tại nơi sản xuất; phối hợp với các hãng, nhãn hiệu nổi tiếng để kiểm tra, xử lý, thậm chí chuyển hình sự những vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các hãng nổi tiếng trên thế giới.
Ngoài ra, đối với gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, thương mại điện tử - hình thức mới nổi lên từ năm 2019, cũng được lực lượng QLTT rất quan tâm và tập trung xử lý nhiều vụ việc.
“Có thể nói, năm 2019, năm đầu tiên hoạt động theo mô hình tổ chức mới, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả đã đạt kết quả, tín hiệu tích cực. Điều này càng thể hiện sự đúng đắn của việc thay đổi mô hình theo hướng ngành dọc”,
Trong báo cáo tổng kết năm 2019, Bộ Công Thương nêu rõ, năm 2019 tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng toàn lực lượng QLTT đã cố gắng, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ được giao. Tổng cục QLTT đã bám sát chỉ đạo của chính phủ, Thủ tướng chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Bộ Công Thương triển khai thực hiện nhiều Kế hoạch công tác như: cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp lễ, tết; kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; Kế hoạch về tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; Kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm; Kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu; Kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mặt hàng đường nhập lậu…
Sau 01 năm hoạt động, lực lượng QLTT kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Các vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.
Ước tính năm 2019, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý khoảng 90.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước gần 500 tỷ đồng (chưa tính trị giá hàng tịch thu chưa bán).