Tổng công ty Sông Hồng trần tình chuyện lỗ lãi

(Dân trí) - Phát biểu trước báo giới, ông Nguyễn Quang Mẫn - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty (TCT) Sông Hồng nói khoản lỗ hơn 20 tỷ đồng năm 2009 của TCT vừa cổ phần hóa này là "đáng mừng". Vì sao có "khoản lỗ đáng mừng" này?

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố cuối tháng 8/2011 về kết quả kiểm toán 24 tập đoàn, TCT nhà nước niên độ 2009 nhắc tới khoản lỗ của nhiều đơn vị lớn, trong đó có TCT xây dựng Sông Hồng (20,6 tỷ).
 
Tổng công ty Sông Hồng trần tình chuyện lỗ lãi - 1
Ông Nguyễn Quang Mẫn (đứng) - Chủ tịch HĐQT TCT Sông Hồng

 

Nói về câu chuyện lỗ lãi, ông Nguyễn Quang Mẫn - Chủ tịch HĐQT TCT Sông Hồng được dẫn lời trên báo nói đó là khoản "lỗ đáng mừng". Để rõ hơn về sự thật có vẻ tréo ngoe này, PV Dân trí đã trao đổi với Ban giám đốc TCT Sông Hồng, đại diện là ông Nguyễn Văn Hiến - Phó Tổng Giám đốc.

 

Thừa nhận các con số 20,6 tỷ lỗ trong năm 2009 và khoản lỗ lũy kế đến 31/12/2009 là 121,6 tỷ đồng, ông Hiến vẫn không vui cho rằng những thông tin đó là đúng nhưng chưa đủ.

 

Cái "chưa đủ" mà ông Hiến nhắc tới chính là việc thông tin lỗ - lãi của TCT Sông Hồng mới được nhắc tới một vế, trong khi kết luận của KTNN nêu rõ vế thứ 2 là đến tháng 10/2010 TCT đã giải quyết được những tồn tại ở 3 công ty con, xóa nợ lãi và một phần nợ gốc khiến số lỗ của các đơn vị này giảm trên 22 tỷ đồng. Theo đó, năm 2009 toàn TCT sẽ lãi 1,6 tỷ đồng.

 

Đại diện Ban Giám đốc và Ban giám sát TCT Sông Hồng đều nói rằng họ hiểu quy trình kiểm toán và công bố kết luận vì liên quan đến việc Quốc hội thông qua báo cáo quyết toán ngân sách, nhưng một cách vô tình trong trường hợp này câu chuyện lỗ, lãi của TCT từ 2 năm trước bị hiểu một cách méo mó đi.

 

"Thực tế, đến 30/11/2009, TCT đã hoàn tất việc bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán được 7,2 triệu cổ phần, thu về gần 159 tỷ đồng, thặng dư hơn 86 tỷ. Số tiền thặng dư này, sau khi giải quyết lao động dư dôi, sắp xếp lại lao động, TCT đã để lại 22,5 tỷ theo quy định và nộp về Tập đoàn Sông Đà 61,7 tỷ đồng", ông Hiến cho hay.

 

Đến tháng 5/2010, TCT Sông Hồng chính thức "lột xác" từ một TCT 100% vốn nhà nước, trở thành TCT cổ phần và có thể nói TCT này là đơn vị đầu tiên trong khối các DNNN trong ngành xây dựng cổ phần hóa thành công. Báo cáo tài chính ngày 1/5/2010 của TCT này cho thấy, lỗ lũy kế của Sông Hồng lúc này là 0 đồng. Lúc này, nhà nước nắm giữ 73,2% vốn, số còn lại thuộc về người lao động và đại chúng thông qua đấu giá công khai.

 

Năm 2010, đúng hơn là sau 7 tháng cổ phần hóa, báo cáo tài chính của TCT này cho thấy lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ đạt 54 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 10%. Năm nay, TCT Sông Hồng ước lãi 64 tỷ của Công ty mẹ, với tỷ lệ chia cổ tức 13%.

 

Tới nay, TCT Sông Hồng đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phần để tăng vốn điều lệ từ 270 tỷ đồng lên 387,5 tỷ và dự kiến "lên sàn" vào cuối năm nay.

 

Tránh nói về khoản "lỗ đáng mừng" năm 2009, đại diện Ban giám đốc Sông Hồng cho rằng ai hiểu Sông Hồng thì sẽ biết vì sao đáng mừng, bởi không nên lấy cách nhìn hiện tại để đánh giá quá khứ.

 

"Rõ ràng, thực hiện theo chủ trương cổ phần hóa đã giúp TCT Sông Hồng đạt được nhiều kết quả khả quan, từ lỗ chuyển sang làm ăn có hiệu quả, cơ chế quản lý cũng minh bạch theo mô hình công ty đại chúng. Chưa kịp phấn khởi, lại phải nhắc tới khoản lỗ từ thời chưa cổ phần hóa, thực sự là đúng nhưng chưa đủ", một đại diện Ban Kiểm soát Sông Hồng trần tình.

 

Hồng Kỹ