Tổng công ty Điện lực miền Bắc - hành trình 54 năm thắp sáng niềm tin
(Dân trí) - Cách đây vừa tròn 54 năm, ngày 6/10/1969, Bộ trưởng Bộ Điện và Than Nguyễn Hữu Mai đã ký Quyết định số 106 thành lập Công ty Điện lực trực thuộc Bộ Điện và Than, hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế.
Kể từ đây, Công ty Điện lực, tiền thân của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) ngày nay, đã chính thức ra đời, hoạt động với đầy đủ tư cách pháp nhân và là một trong những công ty quốc doanh lớn nhất của miền Bắc xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.
Lịch sử hào hùng
Trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhiều nhà máy điện và các trạm biến áp đầu mối bị đánh phá ác liệt như nhà máy điện Vinh (Nghệ An), nhà máy điện Thượng Lý (Hải Phòng), nhà máy điện Uông Bí (Quảng Ninh), nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội), nhà máy điện Thác Bà (Yên Bái), nhà máy điện Hàm Rồng (Thanh Hóa)...
Qua hai đợt Mỹ đánh phá miền Bắc, các cơ sở của Công ty Điện lực phải đương đầu với 1.634 trận oanh kích của địch.
Nhưng bom đạn và mất mát không khuất phục được ý chí tinh thần cách mạng của những người thợ điện kiên cường bám trụ với tinh thần "vừa sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu", vừa tập trung mọi năng lực, công sức, trí tuệ để khôi phục các nhà máy điện bị tàn phá, củng cố hoàn thiện hệ thống lưới điện và tổ chức lại sản xuất, đảm bảo dòng điện vận hành liên tục.
Năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Công ty Điện lực vừa phải khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, vừa san sẻ đội ngũ cán bộ lãnh đạo, công nhân lành nghề vào tiếp quản các cơ sở vật chất của ngành ở miền Nam.
Năm 1979, khi chiến tranh biên giới xảy ra, hệ thống điện tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của địch và hư hại nặng nề. Nhà máy điện Lạng Sơn và Lào Cai bị phá hoại hoàn toàn, lưới điện của các tỉnh Hà Giang, Quảng Ninh, Cao Bằng… hư hỏng nặng.
Phát huy truyền thống anh dũng, bất khuất, tập thể cán bộ công nhân viên (CBCNV) Công ty Điện lực đã kiên cường bám địa bàn duy trì dòng điện, với quyết tâm "Địch phá hỏng ta lập tức khôi phục".
Chiến tranh qua đi, với nỗ lực của CBCNV EVNNPC, đến cuối năm 1980, tổng công suất nguồn đạt 590,4MW, các đường dây điện có cấp điện áp từ 3kV đến 110kV đạt hơn 9.286km, tổng dung lượng máy biến áp các loại đạt 2.560MVA, đáp ứng công suất sử dụng cho công nghiệp trung ương tăng hơn 1,6 lần và công nghiệp địa phương tăng hơn 1,4 lần, công suất sử dụng cho bơm thủy lợi tăng 1,2 lần so với năm 1976.
Lá cờ đầu đưa điện về nông thôn
Thực hiện chủ trương điện khí hóa nông thôn của Đảng và Nhà nước, Công ty Điện lực đã nỗ lực vượt khó để mở rộng địa bàn cấp điện trong nhiều năm liền.
Đến nay, 100% các xã (4.467 xã), 99,23% hộ dân nông thôn (7.995.041/8.057.061 hộ) trên địa bàn EVNNPC quản lý đã có điện lưới quốc gia.
EVNNPC cũng đã cấp điện cho 3/3 huyện đảo trên địa bàn gồm Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải (Hải Phòng) và tiếp nhận để bán điện trực tiếp đến khách hàng trên địa bàn huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng)…
Các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi căn bản đời sống nông thôn của các tỉnh phía Bắc Việt Nam, các ngành y tế, giáo dục, phát thanh truyền hình có điều kiện mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của người dân ở nông thôn.
Tăng trưởng phục vụ phát triển
EVNNPC cũng cho thấy sự phát triển mạnh mẽ khi luôn là đơn vị có tốc độ tăng điện thương phẩm và doanh thu cao nhất trong EVN, với mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân qua các năm trên 10%.
Giai đoạn 2018-2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch Covid-19, song tổng sản lượng điện thương phẩm của EVNNPC vẫn đạt 377.645 triệu kWh, tỷ lệ tăng bình quân là 8,61%, đáp ứng hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ tổn thất điện năng của EVNNPC giảm từ 5,1% xuống 4,1%, góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống điện, tiết kiệm tài nguyên nguồn lực xã hội.
Công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng tiếp tục chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu dịch vụ khách hàng đều đạt so với quy định, chỉ số tiếp cận điện năng của EVNNPC đã giảm từ 5,81 ngày năm 2018 xuống 3,76 ngày năm 2022, góp phần thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Năm 2021, năm 2022, EVNNPC liên tục được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings chứng nhận kết quả xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) ở mức "BB/Triển vọng Tích cực", bằng với xếp hạng quốc gia của Việt Nam và công ty mẹ EVN, cao hơn mức xếp hạng tín nhiệm năm 2020 "BB/Triển vọng Ổn định".