1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng, sao không dùng việc khác?

Thảo Thu

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính nói đã có kế hoạch chi tiết việc sử dụng hơn 1 triệu tỷ đồng cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác.

Tranh luận tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/6, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng, hiện là Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho rằng nên linh hoạt nguồn vốn đang tồn trong ngân quỹ. Cụ thể, tính đến tháng 5/2023, Ngân quỹ quốc gia tồn hơn 1 triệu tỷ đồng.

Ông Hà Sỹ Đồng cho rằng sự linh hoạt là trong phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa và tháo gỡ thủ tục hành chính để đưa tiền vào đúng địa chỉ, tức là vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho kinh tế.

"Nếu những công trình đã và đang được chuẩn bị đầu tư, cần nguồn vốn này mà không có thì có khi sự lãng phí này sẽ sinh ra sự lãng phí khác", ông nói.

Việc tồn dư ngân sách từ trước đó cũng đã được nhiều đại biểu quốc hội tranh cãi.

Giải trình về số tiền tồn dư ngân sách này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết ngân quỹ tồn 1,043 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng, lãi suất 0,8%/năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại 130.000 tỷ đồng.

"Đây là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn cho các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia", Bộ Tài chính nói.

"Số tiền này đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án. Việc tồn dư là do chưa sử dụng, chưa giải ngân hết chứ không phải để dành chi, phân bổ vào việc khác", ông Phớc nhấn mạnh lý do không thể dùng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng cho việc khác.

Tồn dư ngân sách hơn 1 triệu tỷ đồng, sao không dùng việc khác? - 1

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng đã có kế hoạch chi tiết cho các dự án (Ảnh: Mạnh Quân).

Về mô hình phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) thời gian qua được các đại biểu phản ánh hợp đồng dài, chưa rõ nên người mua đọc không kỹ nên xảy đến thua thiệt, ông Phớc cho biết Bộ Tài chính đang xây dựng Nghị định và Thông tư để xây dựng pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, Bộ này tập trung vào việc giúp hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi nghĩa vụ của mỗi bên, quy định rõ mức chi thưởng, quy định rõ về chi đại lý và công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

"Chúng tôi đang tập trung quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bộ Tài chính cũng đã phối hợp Ngân hàng Nhà nước đã xử lý nghiêm ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm", ông Phớc nhấn mạnh.