1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tốc độ giải ngân FDI quá chậm, vì sao?

Tại lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhấn mạnh một trong những thành tựu lớn nhất của Việt Nam chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên vấn đề đáng lo hiện nay là tốc độ giải ngân vốn FDI quá chậm.

Theo ông Lê Đăng Doanh, ngoài việc duy trì ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua thì tác động nổi bật nhất sau 1 năm Việt Nam gia nhập WTO chính là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 9 tháng đầu năm 2007, vốn FDI đạt 9,6 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ.

Hiện nay, số dự án chờ phê duyệt lên hơn 50 tỉ USD trong đó có rất nhiều dự án lớn, công nghệ cao. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, số vốn FDI được cấp phép trong cả năm nay có thể đạt khoảng 13 tỉ USD.

Vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay chính là tỷ lệ giải ngân nguồn vốn trong những năm gần đây đã giảm rất mạnh. Nếu như năm 2000, vốn cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 2,6 tỉ USD và tỷ lệ vốn thực hiện lên tới 94% thì đến năm 2006, tỷ lệ vốn thực hiện giảm còn 41%.

"Chúng ta đang đứng trước một vấn đề là vốn cam kết lớn nhưng năng lực giải ngân không theo kịp. Năm 2007, nếu chúng ta không giải ngân được khoảng 6 tỉ USD thì sẽ rất căng" - ông Doanh nói.

Trong 9 tháng đầu năm 2007, tỷ lệ vốn thực hiện chỉ đạt 3,3 tỉ USD, để đạt được con số 6 tỉ USD, trong 3 tháng còn lại phải giải ngân gần 3 tỉ USD và đây quả thực là "nhiệm vụ bất khả thi".

Hiện đang có rất nhiều yếu kém tác động đến việc thực hiện cam kết cũng như tốc độ giải ngân các nguồn tiền đang đổ vào Việt Nam. Cụ thể, kết cấu hạ tầng yếu kém, thiếu trầm trọng đường cao tốc, bến cảng container, kẹt xe...

Nếu như ở Singapore chỉ mất 2 tiếng đồng hồ để chu chuyển một container thì ở VN phải mất tới 7 ngày. Lợi thế giá nhân công thấp bị giảm hấp dẫn vì thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong 1 năm qua, mức lương các nhân sự quản lý của Việt Nam đã tăng 34% bởi sự thiếu hụt nghiêm trọng này.

Theo ông Doanh, Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp nhưng hiện nay mới chỉ kiềm chế tốc độ tăng giá chứ không kiềm chế được tốc độ lạm phát. Nguyên nhân là do nguồn tiền từ nước ngoài đổ vào Việt Nam quá lớn làm sức mua tăng đột ngột.

"Tốc độ giải ngân không theo kịp nguồn tiền đổ vào khiến chúng ta đang đứng trong một vòng luẩn quẩn. Ngân hàng sẽ tăng lãi suất huy động dẫn đến việc tăng lãi suất cho vay. Gánh nặng này đè lên vai các doanh nghiệp và họ "chia sẻ" nó sang hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ... khiến cho giá cả tăng vọt và kẻ chịu trận cuối cùng chính là người tiêu dùng".

"Phải đẩy mạnh cải tiến các thủ tục, phải phóng mặt bằng... để thúc đẩy việc giải ngân các nguồn tiền này", ông Doanh nhấn mạnh.

Theo Nguyên Hằng
Báo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm