1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tình cảnh bi đát của “kinh đô xe hơi” nước Mỹ

(Dân trí) - Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, 3 hãng xe hơi lớn nhất của Mỹ đã phải đệ đơn xin bảo hộ phá sản, nhưng nay tất cả đều đã hồi sinh. Với Detroit, “thành phố xe hơi” của Mỹ thì có vẻ như điều thần kỳ tương tự không dễ xảy ra.

Cách đây 4 năm, cả ba hãng xe hơi lớn nhất nước Mỹ là General Motors, Chrysler và Ford đều đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản khi kinh doanh thua lỗ và không đủ tiên trang trải nợ. Nhưng đến nay tất cả đều đã hồi sinh với năng lực tài chính ổn định.

Ngày càng nhiều khu chung cư bị bỏ hoang xuất hiện tại Detroit
Ngày càng nhiều khu chung cư bị bỏ hoang xuất hiện tại Detroit

Liệu Detroit, kinh đô một thời của ngành xe hơi Mỹ, có thể phục hồi nhanh chóng đó sau khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản? E rằng điều đó không dễ xảy ra.

Trước hết, là các doanh nghiệp, các nhà sản xuất ô tô có thể trút bỏ hết những nợ nần của mình tại tòa án phá sản và tiếp tục kinh doanh với sức cạnh tranh lớn hơn. Với Detroit, tòa án cũng có thể giúp họ thoát khỏi số nợ khổng lồ nhưng không một thẩm phán nào có thể giúp đưa dân cư quay trở lại, hay tăng nguồn thu ngày một giảm sút của thành phố.

“Với trường hợp của General Motors, ít nhất người ta còn có thể hy vọng rằng doanh thu sẽ tăng lên trong tương lai”, Douglas Baird, một giáo sư luật phá sản tại đại học Chicago nhận định. “Việc đó sẽ khó hơn rất nhiều đối với một thành phố như Detroit bởi họ không bán sản phẩm”.

Detroit, thành phố lớn nhất phải tuyên bố phá sản trong lịch sử nước Mỹ, hiện đang có số nợ lên tới 20 tỷ USD với chủ nợ là các ngân hàng, nhà đầu tư trái phiếu và các quỹ hưu trí. Doanh thu của thành phố này chỉ khoảng 1,1 tỷ USD/năm nhưng mỗi năm đang giảm khoảng 100 triệu USD. Mức thâm hụt ngân sách của họ đã lên tới 327 triệu USD.

Năm ngoái, thành phố này phải vay ngân hàng 80 triệu USD chỉ để trang trải chi phí chiếu sáng công cộng. Các mức thuế tại đây đã được nâng lên kịch trần theo quy định của bang Michigan. Do đó, cách duy nhất để giúp họ tăng doanh thu là thu hút thêm công nhân và dân cư để qua đó tăng thu thuế.

Nhưng ai sẽ đến một thành phố có tỷ lệ tội phạm vào hàng cao nhất nước Mỹ, nơi chỉ còn 1/3 số xe cứu thương còn hoạt động và người dân phải mất 1 tiếng sau khi gọi 911 cảnh sát mới có mặt? Thực tế người tang đang đua nhau rời bỏ nơi này thay vì di cư đến. Dân số ở đây hiện chỉ còn khoảng 700.000 người, chưa bằng một nửa thời vàng son những năm 1950.

Hầu hết các khoản nợ của thành phố được đảm bảo bằng nguồn thu từ thuế và việc các chủ nợ sẽ được nhận lại bao nhiêu số tiền cho vay sẽ là đề tài tranh cãi gay gắt tại tòa. Một phần không nhỏ trong số đó là khoản nợ các quỹ hưu trí và chi phí chăm sóc sức khỏe của khoảng 18.000 người về hưu. Rõ ràng thành phố này đang phải chịu một gánh nặng quá lớn. Các khoản nợ được tạo ra từ những ngày hưng thịnh trong khi hôm nay doanh thu đã giảm sút nhiều.

“Cho dù họ có thành công trong việc xóa sạch mọi khoản nợ, viêc này cũng không thể giải quyết được vấn đề”, Steve Miller, chủ tịch HĐQT hãng bảo hiểm AIG nhận định. “Các khoản nợ quỹ hưu trí và chăm sóc sức khỏe từng được tạo ra để hỗ trợ 2 triệu dân không thể được đảm bảo với số dân chỉ 700.000 người”.

Người dân Detroit nhiều năm qua đã đua nhau rời bỏ thành phố
Người dân Detroit nhiều năm qua đã đua nhau rời bỏ thành phố

Theo ông Miller, vấn đề của Detroit cũng tương tự như tình huống ông từng gặp phải tại công ty thép Bethlehem, nơi chỉ 12.000 công nhân làm việc phải đóng góp cho quỹ hưu trí phục vụ 130.000 người nghỉ hưu. “Không có cách nào để giải quyết việc đó”, Miller khẳng định. Những người về hưu tại Bethlehem đã phải chấp nhận giảm trợ cấp sau khi quỹ hưu trí được chuyển cho chính quyền liên bang. Và tình hình với người về hưu tại Detroit có vẻ sẽ cũng tương tự.

Theo ông Miller, nhiều khả năng chính quyền bang Michigan sẽ phải cung cấp tiền để hỗ trợ Detroit trong giai đoạn phá sản cho đến khi nguồn thu thuế tăng trở lại, cũng giống như chính quyền liên bang từng hỗ trợ các hãng xe GM và Chrysler. Nhưng thống đốc Michigan Rick Snyder lại không sẵn sàng với lựa chọn này.

Bởi vậy tương lai của Detroit sẽ tiếp tục là những ngày mờ mịt. Hiện ngay cả việc thành phố này có được tuyên phá sản hay không có lẽ cũng cần nhờ tới tòa án.

Trong ngày hôm qua, một thẩm phán tại hạt Ingham, nơi có thủ phủ Lansing của bang Michigan, đã tuyên bố hành động phê duyệt cho Detroit nộp đơn xin bảo hộ phá sản của thống đốc Snyder là vi hiến. Vị thẩm phá cũng yêu cầu đơn xin bảo hộ phá sản bị rút lại.

Thanh Tùng
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm