1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tin tức “nghẹt thở” về quyết định “mở cửa” bầu trời

(Dân trí) - Việc “mở cửa” trở lại đường hàng không quốc tế là thông tin kinh tế đáng chú ý nhất trong tuần qua. Quyết định này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế - xã hội những tháng cuối năm.

Bất ngờ thay đổi việc “mở cửa” đường hàng không quốc tế vào phút chót

Theo kế hoạch ban đầu, đường bay quốc tế được mở trở lại từ ngày 15/9, tuy nhiên đến chiều ngày 14/9, Bộ Giao thông vận tải cho biết vẫn chưa “chốt” được thời điểm chính thức.

Tin tức “nghẹt thở” về quyết định “mở cửa” bầu trời - 1

Hoạt động nối lại một số đường bay quốc tế được chờ đợi trong tuần qua

Bộ GTVT cho biết, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là cần làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí....) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam) để thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như đối với những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.

Với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn chưa xác định được cụ thể nhu cầu số lượng người nhập cảnh để lên kế hoạch bố trí các khu cách ly cũng như các điều kiện giám sát, chi phí liên quan.

Bầu trời chính thức “mở cửa”, Việt Nam nối lại 6 đường bay quốc tế

Tuy nhiên, sự hồi hộp và chờ đợi đối với quyết định này của công chúng sau đó cũng đã được tháo gỡ khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý từ ngày 15/9 mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Quảng Châu, Đài Loan - Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ ngày 22/9, mở lại các đường bay từ Việt Nam - Campuchia, Lào.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Về nguyên tắc, phương án khôi phục chỉ liên quan đến các chuyến bay quốc tế thường lệ có chở khách vào Việt Nam. Các chuyến bay của hãng hàng không Việt Nam phân bổ đều các ngày trong tuần, hạn chế tối đa trường hợp có 2 chuyến hạ cánh mỗi ngày tại một điểm.

Các chuyến bay vận chuyển hàng hóa hoặc có chở khách từ Việt Nam đi vẫn thực hiện theo đề nghị của hãng hàng không và các điều ước quốc tế song phương/đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Bay quốc tế: Phải có xác nhận âm tính Covid-19, rút ngắn cách ly còn 5 ngày

Về yếu tố an toàn phòng dịch đi kèm với “mở cửa” bầu trời, thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh nêu rõ: Đối với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao và thân nhân; học sinh, sinh viên quốc tế; thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Với người Việt Nam, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay (trừ một số địa bàn không cấp loại giấy này); được xét nghiệm RT-PCR ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly; được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc tại các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định.

Phó Thủ tướng chỉ đạo xem xét rút ngắn thời gian cách ly (khoảng 5 ngày) cho các đối tượng nêu trên sau khi có kết quả RT-PCR hai lần âm tính; sau đó cho phép được về tự cách ly, theo dõi giám sát y tế tại nhà, trụ sở doanh nghiệp, cơ quan (đối với chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài được làm việc theo kế hoạch gắn với việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch) theo quy định.

Tin tức “nghẹt thở” về quyết định “mở cửa” bầu trời - 2

Trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay, hành khách phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền 

Thủ tướng: Mở thêm đường bay quốc tế, tăng tần suất khai thác thương mại

Đến chiều ngày 18/9, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam và nhấn mạnh “ đừng để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu”.

Thủ tướng lưu ý mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể, kể cả việc giải phóng nhanh hành khách tại sân bay, địa điểm cách ly…

Trên tinh thần tiếp tục mở các đường bay quốc tế có kiểm soát, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục đề xuất tăng tần suất chuyến bay, kể cả bay thương mại đón chuyên gia, nhà đầu tư, đón công dân Việt Nam về nước. Lịch bay cụ thể báo cáo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xem xét, quyết định.

Vừa “mở cửa” bầu trời, Bộ Giao thông đã phải “hỏa tốc” báo cáo khó khăn

Đáng chú ý, ngay sau đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có báo cáo hoả tốc tới Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề cập tới những khó khăn vướng mắc khi mở lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam.

Bộ GTVT cho biết, nhà chức trách hàng không của 4 quốc gia và vùng lãnh thổ là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan - Trung Quốc yêu cầu Việt Nam làm rõ quy trình nhập cảnh, cách ly và các yêu cầu y tế bắt buộc, nơi lưu trú.

Đồng thời, nhằm đảm bảo quy trình chặt chẽ khi mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ, an toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã đề nghị thành lập một tổ điều phối, quản lý và giám sát người nhập cảnh vào Việt Nam và đưa về khu vực cách ly.

Tổ trưởng Tổ điều phối Bộ GTVT đề xuất lãnh đạo Chính phủ giao cho quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, các thành viên bao gồm Bộ Quốc phòng, Ngoại giao, GTVT và đại diện Bộ ngành khác có liên quan; UBND các TP.Hà Nội, TP.HCM, TP.Cần Thơ.

Loạt tập đoàn lớn đang rục rịch từ Trung Quốc "đổ bộ" tới Việt Nam

Theo đánh giá của SSI Research, thời gian qua, các chuyến bay quốc tế đến và đi khỏi Việt Nam bị hạn chế đối với hầu hết các hoạt động kinh doanh và đi lại, điều này đã gây ra áp lực đáng kể ảnh hưởng đến việc xúc tiến đầu tư và tiến độ cho thuê các khu công nghiệp (KCN).

Nhìn chung, đại dịch Covid-19 đã gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và các doanh nghiệp bắt đầu khẩn trương đa dạng hóa hoạt động sản xuất.

Theo nhận định của của chuyên gia SSI, trong năm 2020 khi đại dịch lắng xuống, sẽ có nhu cầu lớn về khu công nghiệp của Việt Nam đối với các công ty đã chuẩn bị chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Do đó, năm 2021, SSI Research kỳ vọng, nhu cầu về đất khu công nghiệp sẽ tiếp tục có nhiều triển vọng.

Đáng chú ý, SSI cho rằng, xu hướng chuyển dịch đáng kể cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đang diễn ra rất có thể sẽ được thúc đẩy mạnh hơn sau Covid-19.

Một số tập đoàn lớn đã lên kế hoạch chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn, …

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích đầu tư FDI cho các dự án của Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam cũng có thể tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng sản xuất sang Việt Nam như Shin-Etsu Chemical, HoYa Coporation, Matsuoka, Meiko Electronics, Yokowo, và Nikkiso… Hầu hết các công ty này đã có cơ sở sản xuất tại miền Bắc.

“Kịch bản” tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến đạt 6 - 6,5%

Trong bối cảnh hiện nay, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại cuộc họp và ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, trong đó dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6 - 6,5%. 

Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Ban Cán sự đảng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.