Tín hiệu hạ lãi suất huy động

Lãi suất cho vay giảm được các ngân hàng tính toán dựa trên những kỳ vọng tương lai và thực lực tài chính của mình. Rất có thể, đây là tín hiệu chuẩn bị hạ lãi suất huy động.

Sau ngân hàng đầu tiên hạ lãi suất cho vay, rất có thể một đợt hạ lãi suất sẽ được nhiều ngân hàng hưởng ứng. Lãi suất cho vay hạ liệu có phải là tín hiệu để chuẩn bị hạ lãi suất huy động vào đầu tháng 1/2012 tới.

 

Chiều ngày 15/12, BIDV đã công bố giảm lãi suất cho vay còn 14,5-15,5%/năm tài trợ hàng xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục bão lũ từ ngày 19/12/2011.

 

Theo đó, việc giảm lãi suất tập trung vào cho vay ngắn hạn với các khoản vay có kỳ hạn dưới 3 tháng áp dụng với 4 đối tượng ưu tiên gồm: ngành hàng xuất khẩu, phát triển ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục hậu quả bão lũ. Mức lãi suất cho vay giảm xuống còn 14,5% đến 15,5%/năm (giảm trung bình 0,5%).

 

Cụ thể, đối với cho vay tài trợ hàng xuất khẩu, mức lãi suất cho vay tối đa là 15,0%/năm; đối với cho vay ngành nông nghiệp & phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa tối đa là 15,5%/năm; cho vay khắc phục hậu quả bão lũ tối đa là 14,5%/năm.

 

Đây là lần thứ 5 liên tiếp trong vòng 4 tháng cuối năm 2011, BIDV giảm lãi suất cho vay VND. Theo đó, lãi suất đã từ mức trên 20% đã giảm xuống còn 14,5% như hiện nay. Bên cạnh đó, BIDV triển khai gói hỗ trợ tín dụng 5.000 tỷ đồng cho Chương trình tài trợ xuất khẩu theo ngành nghề với lãi suất thấp hơn 2% so với cho vay thông thường. Như vậy, rất có thể nhiều DN sẽ được vay với lãi suất 13,5%. Đây là mức lãi suất thấp hơn cả trần lãi suất huy động 14%.

 

Sau thông tin của BIDV hạ lãi suất, nhiều ngân hàng lớn khác cũng cho biết, họ cũng đã có kịch bản hạ lãi suất cho vay tiếp theo. Và một khi nhóm G12 với sự chi phối 80% thị trường hạ lãi suất theo một tín hiệu chung thì thị trường sẽ có một mặt bằng mới.

 

Trong khi đó, chuyên gia từ Ngân hàng Đại Dương lại cho biết, thực tế, nhiều ngân hàng dù chưa có hẳn chương trình lớn nhưng trong những gói cho vay đặc thù của mình cũng đã hạ lãi suất xuống mức thấp hơn thị trường nên việc hạ lãi suất cũng là khả thi.

 

Đón nhận thông tin hạ lãi suất của BIDV, các DN vẫn có phản ứng dè chừng vì gói giảm lãi suất này như thường lệ vẫn dành cho một số nhóm đối tượng ưu tiên, không phải cho tất cả. Tuy nhiên, phản ứng tích cực nhất là khi khối DN sản xuất ổn định thì sẽ góp phần làm cho nền kinh tế tích cực hơn. Đặc biệt, với mặt bằng lãi suất đã hạ sâu so với hồi tháng 8 cho khối sản xuất thì lãi suất dành cho các đối tượng khác sẽ có cơ hội giảm theo.

 

Nói về điều này, chuyên gia từ Học viện Tài chính chia sẻ, đã có những nghi vấn về việc lãi suất huy động đã giảm từ mức 18% - 20% về đúng trần 14% nhưng đa số lãi suất cho vay vẫn chưa giảm. Có thể hiểu điều này là, các ngân hàng chỉ mở cửa hẹp cho một số nhóm, còn lại vẫn thực thi chính sách thắt chặt để chống lạm phát. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là do trước đó các ngân hàng huy động vốn với lãi suất rất cao với số lượng lớn, cho nên dù lãi suất huy động đã giảm nhưng chưa thể đủ để tạo ra sự điều hoà trong nguồn vốn chung để tạo một mặt bằng lãi suất mới.

 

Thời điểm này, sau 4 tháng thực hiện lãi suất mới, các điều kiện lạm phát, thanh khoản của các ngân hàng ổn định và nhất là việc huy động vốn với mức lãi suất thấp đã đủ để có thể tính toán hạ lãi suất cho vay... cho nên các ngân hàng đã tính toán việc hạ. Dù cho việc này vẫn mang nhiều gượng ép và kỳ vọng tương lai hơn là thực tế.  Chính vì thế, trong dự đoán của nhiều chuyên gia, động thái này, cộng với những tuyên bố gần đây có thể hy vọng, hạ lãi suất huy động lại chính là bước đi báo hiệu cho việc hạ lãi suất đầu vào.

 

Tháng 11, lạm phát đã tiếp tục ở mức thấp dưới 1%, dự báo tháng 12 dù cận tết nhưng vẫn tiếp tục ở mức thấp. Đây chính là cơ sở để Chính phủ đề ra chủ trương tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới. Điều này đã được khẳng định sau cuộc họp mới đây của Chính phủ và trở thành một yêu cầu sau khi khối DN đang gặp khó khăn suốt một năm dài chống lạm phát.

 

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ tiến hành điều chỉnh lãi suất giảm theo các điều kiện phù hợp. Lập tức, trên thị trường đã rộ lên thông tin sẽ giảm lãi suất huy động về mức 12%. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cho biết, chưa thể giảm lãi suất nhanh như vậy thậm chí trong tháng 12 sẽ khó có thể thay đổi trần lãi suất huy động.

 

Tuy nhiên, trong những cuộc họp bàn gần đây, các ngân hàng thương mại cho biết, trước mắt, mức lãi suất tiền gửi cao nhất chưa giảm về 12% như tin đồn. Nhưng năm tới, lãi suất tiền gửi có thể sẽ giảm, nhưng điều chỉnh theo từng bậc, không "nhảy cóc" 2 bậc một lúc.

 

Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, khi năm 2011 chỉ còn tính bằng ngày và các điều kiện cho hạ lãi suất đã lộ rõ hơn thì việc tính toán hạ lãi suất cho đầu 2011 là điều đang được nhiều người kỳ vọng. Rất có thể, không phải là 2011 nhuưng 2012 thì cũng không còn là xa. Nhưng điều quan trọng hơn, khi các ngân hàng hạ lãi suất, chắc chắn họ đã phải tính kỹ trên những kỳ vọng về lạm phát, ổn định vĩ mô trong thời gian tới.

 

Tuy nhiên, không chờ giảm lãi suất huy động để cho vay mà trong tình hình này, việc giảm cho vay trước không chỉ đáp ứng các mục tiêu chính sách, hỗ trợ DN mà còn có lợi cho các ngân hàng trong việc tìm kiếm khách hàng, chuẩn bị cho một năm kinh doanh mới. Có lẽ các ngân hàng đã tính trước việc này nên kỳ vọng giảm lãi suất cho vay là tín hiệu để giảm lãi suất huy động không phải là không có cơ sở.

 

Theo Phước Hà
VEF