Tín dụng phục hồi, doanh nghiệp vẫn than lãi vay giảm chậm

Thảo Thu

(Dân trí) - Đại diện doanh nghiệp nói trên thị trường, lãi suất huy động giảm đến 2% nhưng lãi vay chỉ giảm 0,5-1%. Một lãnh đạo ngân hàng phản hồi 1% là nhiều rồi, ngân hàng cũng khó khăn lắm.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chiều 4/10, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. So với mức 5,56% tính đến ngày 15/9, tăng trưởng tín dụng đã thêm 1,3% trong chưa đầy nửa tháng.

Trong khi đó, tại tỉnh Thái Nguyên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 4,51%, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 là 10,85%. Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng tại tỉnh Thái Nguyên đạt gần 16%, cao hơn mức tăng trưởng chung.

Tín dụng phục hồi, doanh nghiệp vẫn than lãi vay giảm chậm - 1

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà tại hội nghị chiều 4/10 (Ảnh: SBV).

Doanh nghiệp cần bình đẳng trong tiếp cận vốn

Bà Nguyễn Thị Vinh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng, đồng thời là Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên - đề cập đến câu chuyện trên thị trường, lãi suất huy động đã giảm tới 2 điểm %, nhưng lãi cho vay chỉ giảm 0,5-1 điểm %. "Một lãnh đạo ngân hàng nói 1% là nhiều rồi, ngân hàng cũng khó khăn lắm", bà Vinh nói.

Vị này kể lại một trường hợp doanh nghiệp đi vay ngân hàng, phía chi nhánh ngân hàng phản hồi để hiệu quả nhất thì doanh nghiệp nên thanh toán khoản nợ cũ và phía ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay mới.

Ngoài ra, bà Vinh cho rằng "các thủ tục cải cách hành chính đang chậm hơn sự phát triển của nền kinh tế". Cụ thể là sự chồng chéo trong các luật, trong bối cảnh nhiều bộ luật đang sửa đổi. "Trong thời gian chờ sửa đổi để luật đi vào thực thi, vấn đề pháp lý với dự án là vô cùng lớn", bà nhận định.

Một vấn đề khác bà Vinh đề cập đến tại hội nghị là việc doanh nghiệp cần bình đẳng trong tiếp cận nguồn vốn, cụ thể là giữa các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. "Ngân hàng cần có thêm sự ưu tiên với doanh nghiệp nhỏ", bà đề xuất.

Tín dụng phục hồi, doanh nghiệp vẫn than lãi vay giảm chậm - 2

Tín dụng có dấu hiệu phục hồi trong nửa cuối tháng 9 (Ảnh: Mạnh Quân).

Quan trọng là sản xuất kinh doanh hiệu quả, không phải tài sản đảm bảo

Ông Lê Quang Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - nói trước những khó khăn từ phía doanh nghiệp tại hội nghị, sẽ quan tâm và tìm liệu pháp tháo gỡ được, cái gì không tháo gỡ được thì cũng kịp thời chia sẻ.

Ông nói trước đó cũng đã giao cho sở ban ngành, đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Ông Tiến đánh giá 9 tháng đầu năm, hoạt động ngân hàng trên địa bàn được duy trì thông suốt, ổn định, khả năng thanh khoản được đảm bảo. 

Ông Tiến đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp. "Trong trường hợp gặp quá khó khăn do khó khăn vĩ mô, mong doanh nghiệp chia sẻ", ông nói.

Ông Tiến cũng đề nghị tập trung rà soát dự án đầu tư, xem xét vấn đề tài sản đảm bảo, tăng cường trao đổi để doanh nghiệp có thể kê khai, trình bày, thuyết minh kế hoạch vay không cần tài sản đảm bảo.

"Tài sản đảm bảo chỉ để dùng khi rủi ro, mang ra đấu giá, ngân hàng đâu cần. Cái quan trọng là sản xuất kinh doanh hiệu quả, chứng minh cho người ta thấy. Như Samsung, vay 1 tỷ USD nhưng doanh thu tới 45 tỷ USD thì con số vay có ý nghĩa gì", ông Tiến nói. 

Phía Ngân hàng Nhà nước cho biết thời gian tới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận tín dụng, đơn vị này sẽ chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu...

Ngoài ra, cơ quan này cũng rà soát, cắt giảm phí nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dânl; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi cho khách hàng tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn.